Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản trị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Anh, DN đang có nhiều cơ hội đầu tư và các kênh đầu tư từ nay đến cuối năm. Trong đó, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm từ 9% xuống 7% vào cuối năm 2012, lãi suất vay (phổ biến) sẽ khoảng 10 -11%, được coi là mức lãi suất giúp DN có khả năng kinh doanh được.

Tại Hội thảo “Nguồn vốn và kỹ năng quản trị” do Cổng thông tin ngân hàng và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 8/8/2012 tại TP Hải Phòng, đại diện các cơ quan quản lý và chuyên gia đã đưa ra nhiều thông tin và giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn và nâng cao kỹ năng quản trị.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tính đến ngày 2/8/2012, chỉ còn 29% các khoản vay cũ còn lãi suất trên 15% sau ba tuần triển khai thực hiện theo yêu cầu của Thống đốc. Tỷ giá cũng sẽ không tăng quá 2%. Lãi suất liên NH hiện đã ổn định ở mức thấp, khoảng 2%/năm, cho thấy tính thanh khoản đã được cải thiện đáng kể. Các NH thậm chí còn đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, với lượng trái phiếu bán ra từ đầu năm đạt hơn 110.000 tỷ đồng, chủ yếu do các NHTM mua.

Về quản trị nguồn vốn hiệu quả và kỹ năng dành cho DN, chuyên gia kinh tế TS. Đặng Đức Sơn chia sẻ: DN đưa ra nhiều chương trình khuyến mại nhưng sức mua không tăng, chứng tỏ thị trường và mức cầu suy giảm. Khả năng chi trả, thanh toán, hệ số khả năng thanh toán sụt giảm, trả gốc nợ vay tăng lên, sự mất cân đối nguồn vốn giữa tổng nợ phải trả trên vốn chủ tăng cao dẫn đến mất vốn. Biểu hiện là lợi nhuận giảm mạnh, tỷ trọng hàng tồn kho ngày qua ngày lại tăng lên, khả năng thanh toán ở mức báo động. Theo TS. Đặng Đức Sơn, trong giai đoạn khó khăn chung hiện nay, DN cần thấy khả năng thanh toán quan trọng hơn cả khả năng sinh lời.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản trị - Ảnh 1Sản xuất đường tại Công ty Mía đường Cần Thơ (ảnh: VnEconomy)

Nguyên nhân của những khó khăn này được giới chuyên gia nhận định là do những thay đổi trong chính sách vĩ mô, hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới hay khoản vay không thuộc các DN được ưu đãi....

Ở góc nhìn từ bên cho vay, bản thân NH cũng đang phải chịu lãi suất cao và các yêu cầu khắt khe của bên cho vay. Hơn nữa, NH đang chịu đựng tình trạng nợ xấu tăng cao và thanh khoản giảm. Từ đó dẫn đến một loạt các hệ quả là các DN thiếu vốn, không có tài sản đảm bảo, hàng tồn kho tăng và chi phí lớn, giá thành tăng. Trong khi các NH thực sự không quan tâm nhiều đến khả năng sinh lời của DN mà quan trọng hơn là khả năng thanh khoản của DN. Thậm chí, lợi nhuận cũng không phải là tiền mà chỉ là sản phẩm của kế toán. Cách giải quyết những khó khăn tài chính cho DN hiện nay là lập lại kế hoạch tài chính cho từng quý, năm; kiểm soát nội bộ và thay đổi chiến lược. DN có thể theo dõi 3 tiêu chuẩn “sống còn” là: Số ngày thu nợ, vòng quay hàng tồn kho và số ngày trả nợ.

Về phía DN, theo ông Nguyễn Kim Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Tân Bình cho rằng: Các chính sách hiện nay của NHNN rất tốt và thiết thực, giúp DN giải quyết được nhiều khó khăn về lãi suất và vốn vay. Tuy nhiên, do việc quản lý còn lỏng lẻo, chưa cụ thể nên việc triển khai của NH còn khó khăn và việc tiếp cận của DN cũng rất thưa. DN mong muốn được hỗ trợ ưu đãi để có thể đẩy mạnh sản xuất và có tiền trả lãi NH, như vậy NH vừa có khách hàng mà DN cũng yên tâm kinh doanh”.

Giải quyết những khó khăn cho DN, TS. Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI cho biết, hiện VCCI đã trình lên Chính phủ những gói hỗ trợ cụ thể, mà cụ thể là thành lập một quỹ ngân sách riêng để hỗ trợ những DN vừa và nhỏ gặp khó khăn.