Hàng vạn nông dân được vay vốn
Mặc dù là địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, song việc tìm hướng chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao được Hội Nông dân phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây đặc biệt quan tâm. Những năm qua, dưới sự tư vấn, giúp sức của Hội Nông dân, nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, trang trại nuôi bò sữa, ba ba, lợn thịt hay trồng nấm hương, linh chi có lợi nhuận cao đã xuất hiện trên địa bàn phường. Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2016, thông qua QHT nông dân đã có 155 hội viên được vay vốn với số tiền 1,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất. “Nhiều hội viên đã có điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, trong đó có 26 hộ đã thoát nghèo” – Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Khanh Khuất Thị Hà chia sẻ.
Mô hình nuôi cá rô đầu vuông của hội viên nông dân xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Quang Thiện |
Tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, nhiều hộ dân đã tận dụng lợi thế có làng nghề chế biến nông sản để phát triển chăn nuôi. Hàng năm, toàn xã duy trì hơn 10.000 đầu lợn với sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 1.500 tấn. Ông Nguyễn Văn Quy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Hà cho biết, trước tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, Hội đã vận động hội viên thí điểm mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học. Ban đầu, Hội đã hỗ trợ 20 triệu đồng làm đệm lót và cho hội viên vay 300 triệu đồng từ QHT nông dân để phát triển chăn nuôi. Qua hơn một năm triển khai, đến nay, toàn xã có 10 hộ chăn nuôi lợn áp dụng mô hình này với quy mô 200 con/lứa, trừ chi phí cho thu nhập 2 tỷ đồng/năm.
Có thể nói, dù số vốn cho hội viên nông dân vay phát triển kinh tế chưa lớn, song QTH nông dân từ TP đến cơ sở đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp nông dân làm giàu. 9 tháng đầu năm 2016, Ban Điều hành QHT nông dân đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã hướng dẫn lập, kiểm tra, thẩm định, giải ngân 484 dự án với số tiền hơn 160 tỷ đồng cho hơn 13.700 hộ hội viên vay vốn phát triển sản xuất.Tạo niềm tin cho hội viênTừ đầu năm đến nay, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn TP đã tích cực triển khai các hoạt động tạo vốn cho hội viên nông dân. Đa số các hộ được vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Đáng chú ý, các dự án vay vốn xây dựng mô hình điểm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thế mạnh của từng vùng đã tạo ra nhiều nông sản hàng hóa đạt chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Tiêu biểu như mô hình phát triển và bảo tồn rau sắng chùa Hương, mô hình gieo mạ khay trong sản xuất lúa và cơ giới hóa trong khâu cấy tại Ứng Hòa, Phú Xuyên…Ông Trịnh Thế Khiết – Chủ tịch Hội Nông dân TP chia sẻ, QHT nông dân đã giải quyết được một phần nhu cầu về nguồn vốn, giúp hội viên giảm bớt khó khăn trong sản xuất. Qua đó, từng bước khẳng định vị thế, vai trò của Hội Nông dân và tạo niềm tin, gắn bó của hội viên với tổ chức Hội. Tuy nhiên, thực tế công tác tuyên truyền, vận động xây dựng QHT nông dân cũng như chính sách tín dụng ưu đãi vẫn chưa đi vào chiều sâu nên còn đơn vị không tăng trưởng nguồn vốn quỹ.Đại diện Hội Nông dân các huyện, thị xã kiến nghị tiếp tục được quan tâm tạo nguồn vốn ưu đãi cho hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời liên kết với các DN để bao tiêu sản phẩm hàng hóa, giúp nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu ngay tại quê hương. Hội Nông dân TP cũng kiến nghị TP cấp bổ sung nguồn vốn QHT nông dân, trong đó riêng năm 2017 là 51,25 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững.Tính đến hết 31/8/2016, tổng nguồn vốn QHT nông dân cả ba cấp trên địa bàn TP là hơn 507 tỷ đồng. Trong đó, quỹ TP quản lý là hơn 431 tỷ đồng, còn lại là cấp huyện, xã. |