Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19: “Phao cứu sinh” trong mùa dịch

Công Thọ – Trần Oanh – Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tỷ lệ lao động thất nghiệp, nghỉ việc tăng cao, việc Chính phủ và các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có chính sách hỗ trợ người lao động mất việc đã đáp ứng mong mỏi của hàng vạn lao động mất việc đang đối mặt với áp lực "cơm áo, gạo tiền" đè nặng.

Chủ trương cần thiết

Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Đăng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều DN tạm ngừng kinh doanh; phải cắt giảm quy mô sản xuất; thậm chí nhiều DN có nguy cơ phá sản, từ đó, dẫn đến lao động thất nghiệp hoặc nghỉ không hưởng lương nhiều hơn.
 Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Đăng

Lao động trong các ngành nghề như du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, công nhân may mặc... cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. “Do nguyên nhân bất khả kháng như vậy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP Hà Nội đối với DN, lao động trên địa bàn Hà Nội lúc này rất quý báu và cần thiết trong thời điểm này”- ông Nguyễn Đăng bày tỏ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Hỗ trợ đủ 5 nhóm đối tượng: Người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc. Nguyên tắc đặt ra là chỉ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, không bỏ sót đối tượng và cũng không được để lợi dụng chính sách để hỗ trợ tràn lan. Cụ thể như hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ 3 tháng (tháng 4, 5, 6). Hỗ trợ cho một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.
Đại biểu HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan Hương cũng nhận định, dịch bệnh còn phức tạp, ảnh hưởng đến DN, người lao động. Cách hỗ trợ bền vững nhất cho lao động chính là tạo việc làm, trước hết, bằng cách giúp cho DN tồn tại, sản xuất. Cụ thể, để giảm áp lực cho DN, việc cấp bách nhất lúc này là giãn nợ, khoanh nợ ngân hàng, gia hạn nộp thuế. Thay vì hạn chót theo thông lệ vào cuối tháng 3 năm nay có thể kéo dài đến tháng 6 hoặc tháng 9.
 Đại biểu HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan Hương
Đại biểu cũng rất ủng hộ chủ trương của TP về đảm bảo tốt an sinh xã hội, đặc biệt là người trong khu vực có dịch, có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng mất việc trong các DN vì dịch bệnh. Đại biểu gợi ý, TP có thể xem xét, nghiên cứu, hộ trợ bằng cách miễn hoàn toàn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân mất việc, với thời hạn khoảng 3 tháng trở lên.
Hỗ trợ cho cả người lao động khu vực phi chính thức

Trước khó khăn của người lao động trong mùa dịch, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng ủng hộ chủ trương hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người lao động của Chính phủ và TP Hà Nội, đồng thời cho rằng, mức hỗ trợ phụ thuộc vào điều kiện thực tế mỗi địa phương.
Ông bày tỏ mong muốn, những người làm ở khu vực chưa được ký hợp đồng lao động (lao động tự do, nhân viên bán hàng ở các cửa hàng và siêu thị nhỏ....) bị mất việc bởi dịch Covid-19 cũng được hỗ trợ từ TP. “Điều quan trọng là nghiên cứu, tính toán để thống kê, lên danh sách chính xác, để ai mất việc cũng được hưởng chính sách này, có thể là 1 triệu đồng/tháng, giúp họ giảm bớt khó khăn”- ông Lê Đình Quảng đề nghị.
 Quản lý khách sạn ở Hà Nội bật khóc khi cho nhân viên nghỉ việc vì Covid-19
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Thời gian tới, Hà Nội thực hiện các chính sách đảm bảo tốt an sinh xã hội, đặc biệt là người trong khu vực có dịch; khảo sát lao động trong doanh nghiệp dự kiến sẽ mất việc làm để có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này; xây dựng phương án hỗ trợ từ ngân sách, bộ đảm bảo chế độ cho đội ngũ cán bộ y tế; hỗ trợ tiền, lương cơ bản hoặc trợ cấp, miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho giáo viên, công nhân và cán bộ quản lý giáo dục.

TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động – Xã hội (Bộ LĐTB&XH) bày tỏ ủng hộ, khuyến khích các địa phương có chính sách hỗ trợ người lao động mất việc vì dịch Covid-19 như TP Hồ Chí Minh vừa ban hành. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, TP Hà Nội cũng có thể có nguồn dự trữ tài chính lớn, vì thế nên hỗ trợ thêm cho người lao động. Song để có quyền hạn này, TP Hà Nội có thể phải xây dựng đề án và tờ trình xin ý kiến Chính phủ và Quốc hội phê duyệt xử lý trong trường hợp tình huống đặc biệt này; vì Hà Nội chưa được Quốc hội quyết định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Khi được Chính phủ và Quốc hội đồng ý, TP Hà Nội đưa ra HĐND TP quyết định.

Theo TS Hoàng Thị Loan (giảng viên Đại học Luật Hà Nội), theo quy định của Luật Lao động, người lao động nghỉ việc hoặc mất việc trong trường hợp dịch bệnh, người sử dụng lao động vẫn phải cùng khắc phục, chi trả và hỗ trợ những khoản kinh phí nhất định cho người lao động. Cho nên, nếu Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cũng nên cân nhắc tới cả những người thực hiện hoạt động lao động tự do, những người không có thu nhập, thu nhập bất ổn định... để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, thể hiện đúng vai trò của nó đối với toàn xã hội. Giống như các chính sách hỗ trợ của Mỹ, họ phân chia rất rõ các đối tượng và định mức một cách hài hòa. Thậm chí, một trẻ em cũng được tính chi phí hỗ trợ.
 Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, ông Nguyễn Đăng cho rằng, dù một bữa cơm bụi 30 nghìn đồng nhưng không phải ai cũng dễ dàng kiếm được trong lúc dịch bệnh. Ảnh: Cafebiz
Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, ông Nguyễn Đăng cho rằng, chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, nhất là lao động không có bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội như “chiếc phao cứu sinh”giúp người lao động có thể vượt qua nguy nan trước mắt trong mùa dịch. Dù một bữa cơm bụi 30 nghìn đồng/bữa ăn nhưng không phải ai cũng dễ dàng kiếm được trong lúc dịch bệnh và cách ly xã hội. Tính nhân đạo và sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, TP Hà Nội tới tầng lớp lao động mất việc này chắc chắn sẽ được sự ủng hộ cao của mọi tầng lớp trong xã hội.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông: Trường hợp mất việc làm vì dịch Covid-19 nhưng được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ còn “chống đỡ” phần nào. Nhưng các đối tượng lao động mùa vụ mất việc, không được tham gia bảo hiểm thời vụ, không có bảo hiểm thất nghiệp sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chúng ta không nên phân bổ dàn trải, mà nên phân loại các đối tượng để hỗ trợ, đặc biệt đối với các hộ nghèo; các trường hợp mất việc làm không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, phải hỗ trợ đúng đối tượng, giải quyết nhanh ngay trong lúc cần thiết, cấp bách.