Thông tin từ Sở Công thương Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn Hà Nội đã có 289 sản phẩm của 191 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD; tạo việc làm cho gần 80.000 lao động.
Tại hội nghị, đại diện Công ty Huyndai Kefico Việt Nam Nguyễn Văn Thuật cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện điện tử thông minh cho ngành ô tô, nên có nhu cầu lớn về các linh kiện lắp ráp bao gồm tất cả các sản phẩm từ cuốn dây, điện tử, lò xo… Thế nhưng, hiện lượng doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp chỉ chiếm chỉ chiếm 2,3%.
Nguyên nhân là bởi để được lựa chọn làm nhà cung ứng cho chuỗi sản xuất các sản phẩm linh kiện của ô tô, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo được độ chính xác, độ sạch cao…nhưng đây là điểm yếu mà doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng nêu rõ, hội nghị là một hoạt động hết sức thiết thực, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội có thêm cơ hội tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại các doanh nghiệp FDI.
“Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó TP Hà Nội tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cải tiến mẫu mã sản phẩm.
Phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của TP Hà Nội. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu”- ông Thắng nhấn mạnh.