Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ thu gom rác thải điện tử miễn phí tại nhà: Ý nghĩa lớn về bảo vệ môi trường

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận thấy mối nguy hại của rác thải điện tử, một nhóm bạn trẻ đã tình nguyện tới từng gia đình để thu gom miễn phí đưa về điểm xử lý của TP Hà Nội theo đúng quy trình. Được thành lập từ tháng 3/2018, nhóm tình nguyện thu gom rác thải điện tử tại nhà đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, chia sẻ của cộng đồng.rn

 Chị Lê Hoàng Phương và tình nguyện viên Hồi Thiên Hoàng bỏ rác thải điện tử vào thùng chứa thiết bị điện tử.

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Theo chân nhóm tình nguyện thu gom rác thải điện tử tại nhà, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, mong muốn bảo vệ môi trường của mỗi thành viên. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Hoàng Phương (SN 1985 - Trần Cung, quận Cầu Giấy) công tác tại Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) - Trưởng nhóm cho hay, các thành viên đều là những người làm việc trong cơ quan Nhà nước. Vì thế, nhóm thường thu gom rác từ 6 giờ 30 - 8 giờ (trước khi đến cơ quan) và tranh thủ buổi chiều từ 16 - 18 giờ. Đặc biệt, 2 ngày cuối tuần được nhóm tận dụng thời gian tối đa.
Các thành viên trong nhóm cảm thấy rất vui vì từ lúc thành lập để giúp đỡ mọi người, đăng những thông tin về rác thải điện tử, nói về hoạt động thu gom, nhóm nhận được khá nhiều cuộc gọi đến từ những nơi thu gom, được mọi người hưởng ứng nhiệt tình, chia sẻ, dần lan tỏa tới cộng đồng nhiều hơn.

Trưởng Nhóm tình nguyện thu gom rác thải điện tử tại nhà Lê Hoàng Phương
Mục đích ban đầu của nhóm là cùng đi nhặt rác, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình nhặt rác, nhóm phát hiện pin cũ, các phế phẩm điện tử khác luôn bị vứt bừa bãi hoặc để chung vào thùng rác gia đình. Nhận biết được tác hại của việc này, biết đến chương trình thu gom rác điện tử của Việt Nam tái chế, nhóm đã kêu gọi người dân tham gia bỏ pin cũ, rác điện tử vào một trong 5 thùng thu gom tại các địa điểm: Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (đối diện số 45 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy); Nhà văn hóa UBND phường Quán Thánh (số 12 đường Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, Ba Đình); UBND phường Thành Công (số 9 đường Thành Công, quận Ba Đình); Ban quản lý công trình công ích Hoàn Kiếm (số 1 Trần Quang Khải); Chi cục Bảo vệ môi trường (số 17 Trung Yên III, Cầu Giấy). Song song với đó, nhóm quyết định đến trực tiếp nhà dân để thu gom rác điện tử.

Người dân hưởng ứng nhiệt tình

Rác thải điện tử gồm các vật dụng như tivi, máy in, máy fax, vi tính, điện thoại, iPad, camera, máy ảnh, pin cũ, dây điện, các thiết bị linh kiện rời rạc khác. Đặc tính của chúng là bên trong có rất là nhiều hóa chất độc hại như thủy ngân, chì, argon, đồng, nhôm, sắt, kẽm… Theo các chuyên gia môi trường, rác thải điện tử chứa các vật liệu độc hại có thể gây ung thư, bệnh đường hô hấp, tim mạch, thần kinh... Nếu không phân loại, thu gom rác thải điện tử gộp chung với rác thải sinh hoạt, xử lý rác sẽ rất khó.

Được thành lập từ tháng 3/2018, nhóm tình nguyện thu gom rác thải điện tử đã gom được rất nhiều pin, đồ điện tử trên địa bàn Hà Nội. “Rác thải điện tử sau khi thu gom sẽ được mang đến những điểm thu gom gần nhất. Đến nay, công việc của nhóm đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo người dân. Nhiều người không những chia sẻ thông tin về nhóm mà còn tình nguyện thu gom rác điện tử" - chị Phương thông tin.

Rác thải điện tử rất độc hại nhưng cũng rất có giá trị nếu có cách tái chế phù hợp. Đây là một cách để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Nếu mỗi gia đình đều nhận thức được việc nên phân loại rác thải điện tử hàng ngày sẽ tạo nên một cộng đồng xanh, sạch, đẹp.