Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Lao động tự do thêm quyền lợi

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện còn thấp, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ 10% mức đóng cho người lao động (NLĐ) theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn, 25% cho NLĐ diện cận nghèo, 30% cho NLĐ thuộc diện nghèo.

Chủ trương này được kỳ vọng sẽ nâng mức bao phủ BHXH, đồng thời giúp những NLĐ tự do có thêm quyền lợi.
Thêm nhiều ưu đãi
BHXH tự nguyện được áp dụng từ 1/1/2008, nhưng đến nay, cả nước chỉ có khoảng 200.000 người tham gia. Điều đáng nói, vẫn còn gần 40 triệu NLĐ trong khu vực phi chính thức, NLĐ tự tạo việc làm, giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa đăng ký tham gia.

Hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện sẽ thu hút người lao động tự do tham gia. Ảnh: Hà Ngân

Đánh giá khách quan về vấn đề này, Phó Trưởng Ban thu, BHXH Việt Nam Mai Đức Thắng cho rằng, thu nhập của NLĐ tự do, NLĐ ở nông thôn thường không ổn định, giai đoạn 2008 – 2015 mức đóng BHXH tự nguyện cao so với thu nhập của đại đa số người dân, chưa có sự hỗ trợ, công tác tuyên truyền về BHXH tự nguyện còn hạn chế nên tỷ lệ người tham gia rất thấp. Hơn nữa, chính NLĐ ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để “tích lũy” cho tuổi già.
Trước những khó khăn trên, Luật BHXH 2014 đã có thêm nhiều ưu đãi với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện như hạ mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu - có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/tháng. Với mức đóng này, giả định mức chuẩn nghèo không thay đổi, không tính đến yếu tố lạm phát thì sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện, một lao động nữ đến 55 tuổi sẽ nhận được lương hưu bằng 60% thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH, khoảng 420.000 đồng/tháng.  Bên cạnh đó, NLĐ có thể chọn mức đóng cao hơn để có mức hưởng lương hưu cao hơn khi về già nhưng tối đa không vượt quá 22% của 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, với mức đóng như trên, từ 1/1/2018, khi áp dụng chủ trương hỗ trợ đóng, NLĐ thuộc diện cận nghèo khi lựa chọn mức đóng BHXH thấp nhất sẽ chỉ phải đóng 115.500 đồng/tháng. Tương tự, NLĐ thuộc diện nghèo chỉ phải đóng 107.800 đồng/tháng.
Người lao động phấn khởi
Trước chủ trương hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, anh Đặng Xuân C. (huyện Quốc Oai, Hà Nội) bày tỏ, cả anh và vợ đều là lao động tự do, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo, hiện tại anh đang đóng BHXH tự nguyện với mức 266.200 đồng/tháng. Như vậy, khi chính sách này được áp dụng, mỗi tháng cả hai vợ chồng anh cũng giảm được gần 200.000 tiền đóng BHXH. “Mỗi tháng hai vợ chồng tôi mất hơn 500.000 đồng tiền đóng BHXH, giờ được giảm tới gần 200.000 đồng thì chắc chắn chúng tôi sẽ duy trì đóng tiếp, các cháu lại có thêm chút tiền mua sách vở” - anh C. chia sẻ.
Nhẩm tính số tiền được giảm khi chính sách này được áp dụng, chị Vũ Thị L. làm may tại gia đình (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng, số tiền giảm không quá lớn nhưng những NLĐ tự do như chị cũng mừng vì ở vùng nông thôn vài chục nghìn đồng cũng quý, nên việc hỗ trợ đóng này sẽ giúp người dân thêm động lực tham gia.
Tuy nhiên, theo mong muốn của những NLĐ tự do khi được hỏi, bên cạnh việc hỗ trợ về mức đóng, Nhà nước cần mở rộng thêm những chế độ hưởng cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Bởi lẽ, hiện nay, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, được hưởng 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Mặt khác, theo ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, cần thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương, phối hợp, lồng ghép cùng tuyên truyền về BHXH tự nguyện. Cán bộ cơ quan BHXH, phụ nữ, đoàn thanh niên phải tiếp xúc với vấn đề này, họ sẽ là những kênh truyền thông chính trong hệ thống, để làm sao cho nhiều người biết được chính sách xã hội này và sẵn sàng tham gia.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, với những chính sách cởi mở, sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành bảo hiểm kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” để phát triển BHXH tự nguyện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần