Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/8, Sở Công Thương Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hà Nội, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối giữa Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội năm 2022.

Hội nghị đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, thương mại, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, cùng 43 chủ đầu tư các cụm công nghiệp và gần 20 ngân hàng thương mại.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp có chung kiến nghị TP Hà Nội có những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn; Các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi - Ảnh 1

Ký kết trao đổi thông tin giữa Sở Công Thương Hà Nội với Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội

Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội Lưu Hải Minh mong muốn thời gian tới, các ngân hàng cung cấp đầy đủ thông tin về các chương trình ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoàn tất các thủ tục hồ sơ vay vốn, qua đó, bảo đảm tính chính xác của hồ sơ, phương án sản xuất kinh doanh...

“Các doanh nghiệp công nghệ chủ lực đều là các doanh nghiệp lớn trong sản xuất công nghiệp, nên rất chú trọng đến vấn đề nghiên cứu phát triển. Do vậy, doanh nghiệp rất mong muốn các quỹ đầu tư và các ngân hàng quan tâm đầu tư cho vay vốn lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ”, ông Lưu Hải Minh nhấn mạnh.

 

Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội, Quỹ đầu tư Phát triển TP. Hà Nội, các ngân hàng và các quỹ giới thiệu các gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác, trao đổi thông tin giữa Sở Công Thương và Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội; Ký kết thỏa thuận hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi giữa Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội, các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp.

Đồng tình với  ý kiến này, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân kiến nghị, các ngân hàng nên kéo dài thời hạn cho vay dài, có như vậy là bởi hầu hết doanh nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí phải 5-10 năm mới có lãi, bên cạnh đó, mở ra thêm các hình thức tín chấp. “Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội xem xét tài trợ cho vay các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất 3 tại chỗ”, ông Vân nêu rõ.

Lắng nghe chia sẻ, kiến nghị từ phía doanh nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, ngân hàng luôn luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp cần ngân hàng bởi đây là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên. “Quan điểm chung của các ngân hàng là cố gắng giữ mức lãi suất hiện tại và tìm cách tiết giảm chi phí”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói. Đồng thời, ông Nguyễn Minh Tuấn kêu gọi các ngân hàng dành những ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp và mong muốn các hội, hiệp hội tổng hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, sau đó, thông qua Sở Công Thương truyền tải tới ngân hàng thương mại để xây dựng phương án giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị kết nối
Toàn cảnh hội nghị kết nối

Phát biểu tại hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ, thông qua hội nghị, các ngân hàng sẽ xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp, qua đó, hỗ trợ tối đa cho những đơn vị này tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. “Ngay sau hội nghị, đề nghị các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để triển khai hiệu quả việc kết nối, xúc tiến vay vốn từ tổ chức tín dụng, phục vụ sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia chương trình kích cầu, đẩy nhanh khởi công hạ tầng những khu, cụm công nghiệp trên địa bàn”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.