Hỗ trợ, tư vấn tâm lý học đường: Đừng làm cho có

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) trong trường phổ thông của Bộ GD&ĐT yêu cầu, từ ngày 2/2/2018, các trường phổ thông phải có tổ tư vấn tâm lý cho HS. Tuy nhiên, khó khăn về nhân sự, gấp gáp về thời gian khiến các trường khó thực hiện.

Không phải mang tính phong trào

Mới đây, dư luận vô cùng hoang mang trước sự việc một HS lớp 7 tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh treo cổ tự tử trong lớp học. Cách đây không lâu, một HS lớp 9 tại TP Hồ Chí Minh bị điểm 3 môn tiếng Anh khiến em trầm cảm kéo dài và đã nhảy lầu tự tử. Ngoài ra, hàng loạt các hiện tượng khác như việc 9 HS nữ tại điểm trường Nà Bản (Xuân Lạc, Chợ Đồn, Bắc Kạn) và 6 HS trường Tiểu học Cư Pui 2 (Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk) mắc rối loạn phân ly tập thể liên tiếp diễn ra. Cùng với đó, tình trạng HS đánh nhau, trầm cảm học đường ngày càng gia tăng nên công tác tư vấn học đường vô cùng quan trọng.
 Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ học
Tuy nhiên, Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông đang gây ra những tranh luận trái chiều. Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định, từ 2/2/2018, các trường phổ thông phải thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho HS về giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi. Thành phần tổ tư vấn, hỗ trợ HS gồm đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, GV kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, GV phụ trách công tác đoàn, đội, đại diện cha mẹ HS và một số HS là cán bộ lớp. Cán bộ, GV kiêm nhiệm phải là người được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý, có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành.

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội cho rằng, cán bộ tư vấn tâm lý bên cạnh được đào tạo chuyên môn phải là người có năng lực, có tâm, nhiệt tình. “Đây là công việc hoàn toàn khác với công tác đoàn, đội, không phải mang tính chất phong trào. Việc Bộ GD&ĐT khởi động như vậy là tốt, nhưng không vì thế thực hiện cho có, đối phó cho xong chuyện. Chúng ta có thể làm chưa giỏi, chưa tốt nhưng không được phép sai” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Giáo viên phải được đào tạo bài bản

Nhiều ý kiến cho rằng, những người phụ trách tâm lý học đường phải thực sự là những chuyên gia tâm lý. Nếu giáo viên kiêm nhiệm mà không được đào tạo bài bản thì hoạt động sẽ không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. TS Trần Thành Nam – giảng viên môn Tâm lý, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể về yêu cầu chương trình đào tạo và chuẩn năng lực đầu ra cho các GV tham gia học nghiệp vụ đảm bảo đầy đủ kiến thức, kỹ năng sàng lọc chẩn đoán các vấn đề tâm lý xã hội. GV kiêm nhiệm phải trải qua các giờ học lý thuyết và 300 giờ thực hành tư vấn, điều phối dưới sự giám sát của các chuyên gia tâm lý học đường, tâm lý lâm sàng có uy tín đang làm việc tại cơ sở đại học được Bộ GD&ĐT thừa nhận.

Ông Nam cho biết thêm, so sánh với chuẩn mực thế giới, những người làm công tác tư vấn tâm lý học đường thường phải có trình độ thạc sĩ trở lên, trải qua ít nhất 1.200 giờ thực hành có sự giám sát. Họ cũng được thường xuyên tham gia các khoá tập huấn về đánh giá các năng lực nhận thức, xúc cảm tình cảm và thành tích học tập.

ở một góc nhìn khác, theo thầy Đào Tuấn Đạt – lãnh đạo trường THPT Anhxtanh Hà Nội, mỗi giáo viên đều phải là những nhà tâm lý, cần chuyển từ giảng dạy đạo đức, giáo điều sang thấu hiểu, chia sẻ với các em. “Nếu GV không làm tốt công tác tâm lý thì làm sao có thể làm tốt nghiệp vụ sư phạm. Vấn đề là GV cần có trải nghiệm, có tầm văn hóa, hiểu biết để thấu hiểu, đồng hành với HS” - ông Đạt nhận định.

Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT không hề đề cập đến bóng dáng chuyên gia hay chuyên viên tâm lý. Hoạt động tư vấn tâm lý cần phải được đào tạo bài bản, không phải ai cũng có thể làm được. Nếu đào tạo lại GV thì cần thực hiện nghiêm túc, chứ không phải cho GV đi tập huấn học một khóa ngắn hạn vài tuần, vài tháng là có thể “vào việc” được.

Chuyên gia tâm lý Phạm Ngọc Thanh