Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồ Văn Quán: Từ điểm nhấn biến thành điểm ô nhiễm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ Văn Quán rộng khoảng 2.000m2, nằm trong khuôn viên khu đô thị (KĐT) Văn Quán (quận Hà Đông) - được mệnh danh là "lá phổi xanh", điểm nhấn cho KĐT.

Thế nhưng, thời gian gần đây, do nước hồ bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi tanh đã gây ảnh hưởng sức khỏe, sinh hoạt của người dân xung quanh.
Ô nhiễm nặng
Người dân sống quanh khu vực hồ Văn Quán phản ánh, khu vực đường dạo xung quanh hồ trước đây thu hút rất đông người đến đi bộ, tập thể dục, nhưng vừa qua do hồ ô nhiễm nên lượng người đến đây rèn luyện sức khỏe đã giảm đi rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Hoa, sống tại KĐT Văn Quán cho hay: “Thời gian đầu về sinh sống tại đây, có hồ nước đẹp, ngày nào tôi cũng chạy bộ thể dục. Nhưng bây giờ thì thưa hẳn, vào những hôm trời nắng nóng, có gió là bốc mùi tanh hôi không thể đến gần hồ”.

Mặt nước hồ Văn Quán có màu xanh đặc quánh với nhiều xác tảo chết nổi khắp hồ. Ảnh: Vũ Cúc

Ghi nhận thực tế tại hồ Văn Quán cho thấy, mặt hồ có nhiều rác, mảng xác tảo trôi nổi. Đặc biệt, tại góc hồ sát với đường 19/5, một cửa cống nước thải đã không được đấu nối vào đường ống mà xả thẳng ra hồ. Do đó, tại khu vực này nước hồ đã chuyển màu xanh đen, nhiều rác đọng, tảo chết kết lại tạo thành mảng váng bốc mùi hôi thối, ruồi, muỗi trú ngụ, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngay sát đó, đường ống nước thải bằng nhựa của một hộ kinh doanh cũng được cắm thẳng xuống mặt hồ.
Trước tình trạng trên, UBND quận Hà Đông đã giao Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND phường Văn Quán kiểm tra thực trạng môi trường tại khu vực hồ. Tại thời điểm kiểm tra, nước hồ Văn Quán có dấu hiệu bị ô nhiễm, có nhiều váng màu vàng tạo thành mảng xen lẫn một lượng rác thải nổi trên mặt hồ dạt vào ven bờ và có mùi hôi, tanh.
Để xử lý, ngày 20/7 vừa qua, UBND quận Hà Đông đã có Văn bản số 1569/UBND-VP đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vớt rác thải, lá cây, sinh vật chết…, có biện pháp xử lý hiện tượng bốc mùi hôi, tanh tại hồ, duy trì công tác VSMT. Đồng thời, UBND quận yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc quận, UBND phường Văn Quán đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp xả rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường theo quy định. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả.
Cần khẩn trương xử lý
Về công tác đảm bảo môi trường tại hồ Văn Quán, Đội trưởng Đội Quản lý duy trì hồ (Công ty Thoát nước Hà Nội) Bùi Ngọc Uyên cho biết, hàng ngày, đơn vị vẫn thực hiện vớt rác thải, lá cây, sinh vật chết và duy trì công tác VSMT, điều tiết mực nước khi mưa.
Về công tác xử lý ô nhiễm nước hồ, từ quý IV/2016 đến nay, Công ty Thoát nước Hà Nội đã có 2 đợt xử lý bằng chế phẩm Redoxy 3C. Tuy nhiên, do đặc điểm sinh thái hồ Văn Quán có nhiều tảo nên việc xử lý bằng chế phẩm theo định kỳ 6 tháng/lần đã không thể đáp ứng với tốc độ phát triển rất nhanh của loại sinh vật gây hại này. Nhất là mấy tháng nắng nóng trong mùa Hè vừa rồi, tảo phát triển mạnh, khi gặp mưa xuống, tảo chết nổi váng trên mặt hồ.
Việc vớt xác tảo bằng các dụng cụ thủ công cũng không thể triệt để - đây là lý do khiến xác tảo vẫn trôi nổi trên mặt hồ gây ô nhiễm, xuất hiện mùi hôi. “Tới đây, chúng tôi sẽ có đánh giá để đề xuất TP cho điều chỉnh tần suất xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ làm việc với các nhà khoa học Đức để có những điều chỉnh về công nghệ nhằm làm sao hạn chế sự phát triển mạnh của loại tảo lam tại một số hồ, trong đó có hồ Văn Quán” – ông Uyên thông tin. Đối với việc xả nước thải sinh hoạt, trong tháng 8, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ có buổi làm việc với Công ty Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) để rà soát lại toàn bộ hệ thống cống. Nếu có việc cho thoát nước thải vào hồ, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ đề nghị Sở Xây dựng yêu cầu HUDS khẩn trương có chương trình cải tạo tách nước thải hoàn toàn khỏi hồ Văn Quán.
Diện tích mặt nước hồ Văn Quán do Công ty Thoát nước Hà Nội đảm nhận, còn hệ thống cống nước thải vào hồ lại do HUDS quản lý, duy trì. Có chức năng là hồ điều hòa nên hệ thống cống tại đây chủ yếu phục vụ cho việc thoát nước mưa, nước hồ khi mưa lớn.