Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hòa Bình: ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Tâm Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng sâu, vùng xa, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của Nhân dân.

Năm 2024, tổng nguồn vốn kế hoạch huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hòa Bình là trên 2.963 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 161 tỷ đồng; ngân sách cấp tỉnh, huyện trên 214 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn trên 1.527 tỷ đồng.

Hòa Bình ưu tiên nguồn vốn, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi đi lại, giao thương hàng hóa và thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn.
Hòa Bình ưu tiên nguồn vốn, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi đi lại, giao thương hàng hóa và thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn.

Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ cho các huyện, thành phố nguồn vốn đầu tư phát triển đợt 1 thực hiện 165 dự án, gồm 41 dự án chuyển tiếp, 124 dự án khởi công mới với kinh phí 227,8 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển đợt 2 cho các địa phương thực hiện 3 dự án trên 4 tỷ đồng; vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương phân bổ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 tổng kinh phí 38,6 tỷ đồng.  

Cùng với nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh đã phân bổ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện trên 214 tỷ đồng; lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn của tỉnh trên 1.527 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM, NTM nâng cao. Ngoài ra, huy động 2.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn tín dụng và hơn 60 tỷ đồng từ các nguồn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng NTM.

Hiện toàn tỉnh có 96/129 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng xã NTM. Xác định được tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua, ngành Giao thông vận tải đã tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng đầu tư mở mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối vùng ở các huyện vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi để các huyện khai thác quỹ đất, kết nối giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2024, từ nhiều chương trình, đề án, dự án, toàn tỉnh đã huy động được 1.344,340 tỷ đồng để thực hiện bê tông hóa, nhựa hóa (bao gồm cả làm mới, cải tạo, nâng cấp đường) cho 310 km đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, các huyện, thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, như vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hạ tầng giao thông, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn. Đồng thời, các huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sức dân, hiến đất mở đường để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn tạo thuận lợi đi lại.

Đến nay, mạng lưới tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 540km, chiếm 4,91%; đường đô thị, nội thị trên 368km, chiếm 3,35%; đường huyện trên 711km, chiếm 6,47%; đường nông thôn 8.870km, chiếm 80,55%; còn lại là đường chuyên dùng.

Đối với đường nông thôn, loại đường có kết cấu mặt đường bê tông xi măng hơn 5.432km. Tình trạng kỹ thuật và chất lượng mặt đường được cải thiện, mặt đường bê tông xi măng và nhựa đạt trên 53%, mặt đường đất, cấp phối giảm, đường trục xã, liên xã được cứng hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo giao thông thuận lợi cả 2 mùa.

Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng sâu, vùng xa, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh có chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của Nhân dân, đảm bảo kết nối đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.

Với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng phải đi trước một bước, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Đề án số 02-ĐA/TU ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy Hòa Bình đặt ra nhiệm vụ "Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025”. Qua đó nhằm đáp ứng mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hoà Bình đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước” theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2025.