Friday, 08:33 23/05/2014
Hòa bình và ổn định là điều kiện không thể thiếu cho phát triển
Kinhtedothi - Ngày 22/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Philippines và tham dự Diễn đàn...
Kinhtedothi - Ngày 22/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Philippines và tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, được hơn 600 đại biểu tham dự phiên khai mạc đánh giá cao.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các quốc gia tại Đông Á phải bắt tay, tạo thêm những động lực mới để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững. Từ kinh nghiệm Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, tiến trình hội nhập quốc tế và cải cách trong nước như bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách thuận lợi, việc Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán nhiều hiệp định tự do thương mại song và đa phương như TPP, RCEP, Việt Nam - EU... đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 sâu trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, nơi 50% lượng hàng hóa vận tải đường biển của thế giới đi qua, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại với Trung Quốc để phản đối và yêu cầu rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Về việc một số người lợi dụng biểu tình của người dân phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đã có những hành vi manh động, vi phạm pháp luật, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn các hành vi trái pháp luật; tình hình đã hoàn toàn ổn định; các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và kêu gọi ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong phiên Đối thoại với các doanh nghiệp thành viên WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang có những lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài như cơ cấu dân số vàng; khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực; việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế sẽ giúp Việt Nam trở thành đầu mối quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20; Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Thủ tướng khẳng định với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp GS Klaus Schwab - Chủ tịch WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. Do vậy, Việt Nam mong muốn WEF tiếp tục đóng góp tích cực vào xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng. Chủ tịch Klaus Schwab đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên Biển Đông và mong muốn WEF như là một kênh đối thoại chính trị để trao đổi, giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, trong cuộc trả lời phỏng vấn hai hãng thông tấn AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về các diễn biến hiện nay tại Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.
![]() Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: TTXVN
|
Ngày 22/5, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Philippines đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông. Đồng thời kêu gọi các nước, Hiệp hội ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm vùng biển Việt Nam, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế. |