KTĐT - Ngành hoa Đà Lạt – Lâm Đồng cũng đã có những động thái nhất định trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng chưa thật sự tham gia mạnh mẽ, chưa sẵn sàng cho một sân chơi lớn.
Đà Lạt là trung tâm sản xuất hoa nổi tiếng của Việt Nam với trên 70 năm kinh nghiệm. Thế nhưng đến nay, tiêu thụ nội địa vẫn là chính, còn với thị trường ngoại, hoa Đà Lạt thiếu cả lượng lẫn chất.
Đó là nhận xét chung được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao năng lực và phát triển ngành hoa Đà Lạt – Lâm Đồng” diễn ra sáng 3/1 tại Đà Lạt.
Theo ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hoa cũng là ngành công nghiệp không khói, hỗ trợ rất tốt và đồng hành với du lịch dịch vụ. Có thể nói, kinh doanh hoa là siêu lợi nhuận, bởi hiệu quả kinh tế được tính trên m2, trong khi các cây trồng khác được tính bằng héc-ta.
Hoa là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. (Ảnh: Ngọc Nguyên) |
Hoa Đà Lạt –Lâm Đồng từ lâu đã tạo dựng được vị thế, không chỉ ở việc hình thành cảnh quan tươi đẹp của thành phố du lịch, nghỉ dưỡng mà còn đem lại giá trị kinh tế ngày càng cao.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, “cơ sở hạ tầng kỹ thuật quá yếu kém, hầu hết nhà kính là tre hoặc sắt tạm bợ chắp vá, công nghệ nói chung và công nghệ sau thu hoạch hoàn toàn không đáp ứng được cho yêu cầu xuất khẩu.
Năm 2005, tổng diện tích sản xuất hoa của Đà Lạt – Lâm Đồng là 2.158 héc-ta với sản lượng 650 triệu cành, đến nay đã có 3.216 héc-ta với trên 1,1 tỷ cành. Các mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao xuất hiện với doanh thu đạt 400-500 triệu đồng/héc-ta/năm, thậm chí có doanh nghiệp đạt 1-2 tỷ đồng/héc-ta/năm. |
Đầu ra cho sản phẩm hoa chưa được tạo lập, phương thức mua bán vẫn theo kiểu truyền thống từ vài chục năm trước đây, ngay chợ đầu mối cho ngành hoa tại Đà Lạt là một vấn đề bức xúc hàng chục năm nay vẫn chưa được giải quyết”.
Hoạt động sản xuất hoa tại Đà Lạt vẫn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, trình độ tổ chức, quản lý sản xuất còn rất thấp so với các nước trong khu vực… nên chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng với những đòi hỏi khắt khe của thị trường dù sản lượng khá dồi dào.
Ngành hoa Đà Lạt – Lâm Đồng cũng đã có những động thái nhất định trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng chưa thật sự tham gia mạnh mẽ, chưa sẵn sàng cho một sân chơi lớn. Mục tiêu phát triển ngành trong 5, 10 năm sắp tới chưa được đầu tư nghiên cứu một cách khoa học, chưa hình thành những bước đi cụ thể, chiến lược phát triển toàn diện.
Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, cho biết, địa phương còn thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo có tay nghề cao như các kỹ thuật viên, chuyên gia điều hành sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thị trường còn yếu. Sản phẩm chưa đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng theo nhu cầu quốc tế. Đại đa số các cơ sở sản xuất chưa xây dựng thương hiệu hàng hóa, giá cả bấp bênh, thị trường xuất khẩu chưa mở rộng và chưa ký được các hợp đồng lâu dài.
Giá tiêu thụ hoa còn nhiều bấp bênh. (Ảnh: Ngọc Nguyên) |
“Ngoài ra, địa phương chưa có các đề án quy hoạch chuyên đề trên từng loại hoa đặc thù. Đại đa số là trồng manh mún, xen kẽ nhiều loại rau, hoa. Do đó, khó kiểm soát cây con giống và sản phẩm cuối cùng, khó áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất hoa ở quy mô công nghiệp và thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên các loại hoa”, ông Án bổ sung.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Phạm S, Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng, cho hay, “thực tế ngành sản xuất hoa còn những bất cập như nguồn giống chưa chủ động, diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, chủng loại hoa có nhiều, song khi thị trường cần số lượng lớn, thì sản xuất không đáp ứng nổi, mất cơ hội với đối tác. Một số loài sâu bệnh hại phát sinh thực tế chưa được xử lý kịp thời làm cho sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Giống hoa hoàn toàn nhập nội, đến nay chưa có hội viên nào được Nhà nước cấp sở hữu giống. Đại đa số nông dân chưa đủ vốn để đầu tư canh tác theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao như sử dụng giống mới chất lượng cao, nhà có mái che, hệ thống tưới tự động, kỹ thuật canh tác tiên tiến do chi phí đầu tư ban đầu lớn…”.
Chưa hết, theo ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc công ty CP CNSH Rừng hoa Đà Lạt, các doanh nghiệp ngành hoa, nhất là các đơn vị trong nước, vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động sản xuất và kinh doanh khi mang hoa xuất khẩu.
Việc thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chuyên gia tư vấn kỹ thuật, hiểu biết về thị trường hoa quốc tế, chiến lược quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm... đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.