Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoá giải 4 điểm “nghẽn” của bất động sản

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Các chuyên gia cho rằng để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững và khai thác được tiềm lực phát triển bất động sản, cần nhanh chóng xác định và hoá giải được những “điểm nghẽn” đang đeo bám lĩnh vực này.

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay "điểm nghẽn" bất động sản gồm 4 vấn đề chính.

Đầu tiên là khâu giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn dẫn đến tình trạng dự án da beo, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra. Hiện nay, Hà Nội và TP Hồ Chí minh có đến hàng trăm dự án ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án bất động sản chủ yếu do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
 
Thứ 2 là tiền sử dụng đất vẫn là gánh nặng, ẩn số, tạo ra cơ chế "xin - cho".Tiếp theo phải kể đến thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, điển hình là khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cấp 1, từ trên 20 tầng.

Cuối cùng, chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản, trong lúc tính chất hoạt động của thị trường này là trung hạn, dài hạn; lãi suất cho vay vẫn còn cao; thiếu nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội.

Giải quyết triệt để, tăng hiệu quả phát triển bất động sản không chỉ trông chờ vào mệnh lệnh của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nhà nước là tác nhân quan trọng có tiềm lực giải quyết 4 điểm "nghẽn" lớn của thị trường bất động sản Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, để thị trường bất động sản vận hành thực sự theo cơ chế thị trường thì về dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế như đề xuất của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh tại Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 08/11/2013 đã trình Chính phủ, như sau: “Nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.

Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”. Tuy nhiên, yêu cầu thay đổi ngay lập tức chính sách thu tiền sử dụng đất như hiện nay là khó được chấp nhận, vì cần phải có thời gian để tạo sự đồng thuận. Vấn đề cần giải quyết cấp bách là cải cách quy trình, thủ tục hành chính để việc xác định tiền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện minh bạch, nhanh chóng, hợp lý và loại trừ được các yếu tố phát sinh tiêu cực.

Về khâu giải phóng mặt bằng, quy định tại điều 62 Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong một số trường hợp, trong đó có dự án xây dựng khu đô thị mới, dự án chỉnh trang đô thị. Nhưng trong thời gian qua việc thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất các dự án xây dựng khu đô thị mới, dự án chỉnh trang đô thị để tiến hành giải phóng mặt bằng rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư.

Xuất phát từ thực tế này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị giao đất cho Tổ chức phát triển quỹ đất của các tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, sau đó tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tình trạng khiếu kiện như hiện nay, và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Riêng điểm nghẽn tín dụng, theo các chuyên gia bất động sản, Nhà nước cần nhanh chóng có cơ chế tiếp nối để hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp đô thị, đối tượng chính sách để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, và tín dụng cho nhà đầu tư dự án bất động sản. Ngày 06/06/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg quy định lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm, áp dụng đến hết ngày 31/12/2016 tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng trên thực tế thì vẫn chưa thực hiện được.

Hiện nay, người vay mua nhà ở xã hội của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng vẫn phải chịu mức lãi suất 5%/năm (cao hơn mức 4,8%/năm nêu trên) áp dụng cho năm 2016 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là điều hợp lý cần được sửa đổi ngay trong năm 2017 để mọi trường hợp mua nhà ở xã hội (kể cả nhà ở xã hội trong gói 30.000 tỷ đồng) cùng được hưởng một mức lãi suất vay như nhau.

Thị trường bất động sản hoạt động trung hạn và dài hạn, nhưng Nhà nước chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn để cung cấp cho thị trường bất động sản.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép thành lập quỹ đầu tư bất động sản nhưng cho đến nay chỉ có duy nhất Quỹ đầu tư bất động sản của Techcombank hoạt động; đề nghị Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ hình thành các Quỹ tín thác bất động sản (quỹ REIT) và thị trường chứng khoán phái sinh ngay trong năm 2017 để tạo vốn cho thị trường bất động sản.” ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.