Một tiểu phẩm trong cuộc thi hòa giải viên giỏi TP Hà Nội năm 2019. Ảnh: Hồng Thái |
Tham gia công tác hòa giải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Hồng Lê cho biết, để hòa giải thành công một vụ việc là cả quá trình mà người làm hòa giải luôn phải thấu đáo mọi việc, lời nói và hành động phải có uy tín đối với người dân thì hiệu quả mới đạt cao. Người làm công tác hòa giải phải am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân & Gia đình… Đồng thời, luôn gần gũi với Nhân dân, phải nỗ lực xây dựng gia đình mình luôn gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Quá trình hòa giải, hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều việc phải hòa giải từng phần, phải dùng cái lý, cái tình để có thể hóa giải được mâu thuẫn. Bên cạnh đó, phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn lớn của gia đình. Đối với các vụ việc liên quan đến phụ nữ rất phức tạp, phải tham gia hòa giải cẩn thận, nếu không rất dễ đổ vỡ mọi chuyện, gây phiền lụy đến xã hội.
Từ suy nghĩ đến hành động, nhiều năm qua, nhiều vụ việc đã được Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tản Lĩnh Nguyễn Thị Hồng Lê tham gia hòa giải thành công. Có vụ việc mâu thuẫn giữa ông Trần Văn T. và bà con lối xóm. Do nhà ông T. gần đường của thôn, trước đây con đường đi qua nhà ông ra cánh đồng có lối đi nhưng do người dân ít đi lại qua đây nên ông T. đã xây bịt lối đi này, dành phần đất cho nhà mình. Sau vài năm, khi tuyến đường được mở rộng qua đây, người dân đề nghị ông T. trả lại đất để mở rộng đường, nhưng ông T. cho rằng đoạn đường này là đất của nhà mình. Các hòa giải viên đã gặp gỡ hai bên, đề nghị cán bộ địa chính xã xem lại khu đất này và đối chiếu kiến nghị của người dân là đúng. Sau khi các hòa giải viên cho ông xem lại toàn bộ bản đồ địa chính về khu đất, thuyết phục hòa giải, ông T. đã đồng ý trả lại đất.