Hóa giải thách thức mới phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự xuất hiện ngày càng nhiều những KGST tại Việt Nam phần nào cho thấy bước chuyển mình của đô thị hiện đại trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu ngày càng quyết liệt.

Tác động đối với bản sắc TP và sự phát triển đô thị ra sao; Làm thế nào để đảm bảo cho một tương lai lâu dài cho những không gian này? Câu trả lời đã phần nào được tìm thấy trong những nghiên cứu ban đầu về KGST tại Việt Nam mà Hội đồng Anh vừa công bố.

Không gian ươm mầm cho những tài năng trẻ

Theo bà Trương Uyên Ly - người thực hiện nghiên cứu, sự xuất hiện của các KGST tại Việt Nam được khơi nguồn từ nhiều yếu tố như: Đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự bùng nổ internet và sự phát triển chóng mặt của các trang mạng xã hội. Mốc thời gian đáng nhớ đánh dấu sự nở rộ của các KGST là năm 2009 với sự ra đời của Doclab, Cà phê thứ 7, sau đó là YxineFF (2010), SaigonOutcast (2012), Đom đóm (2013), Zone 9 (2013), Heritage Space, ADC Academy, Nhà ga 3A (2014)… Cho đến nay đã có gần 40 KGST tại Việt Nam với quy mô, loại hình và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Những không gian mở ra không chỉ là nơi gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng hay thực thiện những điều gì mới mẻ, mà còn là nơi ươm mầm cho những tài năng trẻ.

 
Một bức hình nghệ thuật trên tường khu Nhà ga 3A ở TP Hồ Chí Minh.
Một bức hình nghệ thuật trên tường khu Nhà ga 3A ở TP Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu của Hội đồng Anh cho thấy, sự tồn tại của các KGST đã có tác động không nhỏ đối với sự phát triển con người, bản sắc đô thị. Bên cạnh đó, các không gian còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, truyền cảm hứng về sáng tạo và kết nối cho một mạng lưới ngày càng rộng lớn của những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và kinh doanh.

Điểm tựa nào cho sự tồn tại và phát triển?

Khác với bối cảnh của những năm 1990 hay đầu năm 2000 - khi mà rất nhiều không gian và sự kiện về sáng tạo, thể nghiệm nghệ thuật mới được tài trợ và phụ thuộc vào các tổ chức văn hóa như L'Espace, Viện Goethe, Hội đồng Anh hay Quỹ Ford, các KGST tại Việt Nam hiện nay đã trở nên độc lập hơn. Việc tự lực về nguồn vốn đang trở thành sự lựa chọn duy nhất cho rất nhiều địa chỉ, tuy nhiên, chưa thể đảm bảo cho tính bền vững cũng như mục tiêu của tất cả các KGST nghệ thuật. Saigon Hub sau gần một năm hoạt động đã phải đóng cửa vào ngày 1/4/2014 vì giá tiền thuê nhà cao. Zone 9 cũng buộc phải đóng cửa vì tình trạng pháp lý nhập nhằng về chủ sở hữu. Còn Nhà ga 3A - một không gian văn hóa mới khá thú vị ở TP Hồ Chí Minh hiện đang được cho thuê trong 2 năm - một khoảng thời gian quá ngắn để tạo dựng thương hiệu và kết nối cộng đổng.

Lý do cản trở sự tồn tại, phát triển, dẫn đến kết cục phải đóng cửa chính là lời thách đố mà các KGST đang phải đối mặt: Bất ổn với chủ đất; Giá thuê nhà đắt đỏ; Thủ tục cấp giấy phép tổ chức sự kiện gian nan và "tốn kém";... Bà Đoàn Phương Hà - người sáng lập Saigon Outcast (ở TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Thủ tục xin phép cho các sự kiện văn hóa rất mất thời gian và tốn kém. Bản thân người đi xin giấy phép cũng không biết phải làm như thế nào cho đúng bởi những hướng dẫn nhận được từ các nhà chức trách thường không nhất quán… Còn bà Đỗ Thị Tuyết Mai - đại diện cho những chủ nhân của Nhà ga 3A cho rằng, ở Việt Nam có quá ít người có kỹ năng quản lý nghệ thuật. Vậy nên, "Việc nâng cao kỹ năng kinh doanh và quản lý trong nghệ thuật cho các chủ không gian là rất cần thiết, để mối quan hệ giữa nghệ sĩ và thị trường có thể trở nên chuyên nghiệp hơn" - bà Mai nhấn mạnh.Ở góc độ của một người nghiên cứu thực tế, theo bà Trương Uyên Ly, để đảm bảo cho một tương lai lâu dài của các KGST, cần những chính sách hỗ trợ cho những không gian này nhiều hơn; cần được các cơ quan quản lý hiểu và ủng hộ; cần đẩy mạnh tiêu dùng trong lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo và thêm nhiều hỗ trợ về vốn, đào tạo kỹ năng, hợp tác và kết nối.

Vậy là, qua những nghiên cứu bước đầu về KGST tại Việt Nam có thể thấy bức tranh khá toàn cảnh về mô hình này. Dù phía trước còn bộn bề thách thức nhưng rõ ràng KGST đang ở một giai đoạn mới đầy hứng khởi cho một môi trường sáng tạo.
Nghiên cứu KGST ở Việt Nam là một phần của Dự án Kinh tế sáng tạo của Hội đồng Anh, nhằm hỗ trợ sự phát triển của các ngành nghề sáng tạo tại Việt Nam từ nay đến năm 2016, thông qua đó góp phần hỗ trợ sự phát triển của kinh tế - xã hội. Dự án cũng hướng đến việc củng cố mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ngành công nghiệp sáng tạo hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh, đồng thời thúc đẩy kinh doanh hỗ trợ các kỹ năng và nâng cao năng lực cho ngành sáng tạo ở Việt Nam.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần