Hoa Kỳ khởi động dự án 2,9 triệu USD bảo tồn môi trường sống ven biển đồng bằng sông Cửu Long

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án được công bố trong chuyến thăm của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam tháng 8 vừa qua.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, hôm nay (21/10), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam khởi động dự án Bảo tồn Môi trường sống Ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long, một dự án được công bố trong chuyến thăm của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam tháng 8 vừa qua.
Với nguồn ngân sách 2,9 triệu USD được tài trợ bởi USAID, dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm nhằm mục đích bảo tồn môi trường sống ven biển đồng bằng Sông Cửu Long để nâng cao tính bền vững ngành thủy sản, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học.
 Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Daidoanket.
Đồng bằng sông Cửu Long và các cụm đảo xung quanh là nơi sinh trưởng của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, khu vực này trở thành môi trường thuận lợi phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam, tuy nhiên khu vực này cũng đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng.
Các khu rừng ngập mặn của đồng bằng - là sinh cảnh và nơi sinh sản cho các loài như cá chẽm, cá hồng và nhiều loài thuỷ sản có ý nghĩa thương mại quan trọng khác cũng như đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi nước biển dâng do bão - hiện đang bị thu hẹp do mực nước biển dâng. Các hệ sinh thái ngư nghiệp quan trọng ở đồng bằng đang bị đe dọa nhiều hơn do áp lực môi trường như hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng và nhu cầu khai thác nước ngầm cho nuôi trồng thủy sản và đánh bắt gần bờ đã làm cạn kiệt trữ lượng cá, gây ra các thiệt hại về sinh thái.
Thông qua cơ chế hợp tác với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ban quản lý Khu Bảo tồn Biển thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc và cộng đồng ngư dân, dự án sẽ được thực hiện để giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học ven biển và ngành thủy sản, đồng thời tăng cường sức chống chịu vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
Về địa lý, dự án sẽ tập trung triển khai tại các vùng bờ biển thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất của đồng bằng dọc theo Biển Đông, Biển Tây, Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc, cũng như tại ba cụm đảo nhỏ ở vùng biển Tây (Hải Tặc, Ba Lụa, Nam Du). Các hợp phần chính của dự án bao gồm: (1) Tăng cường công tác quản lý tại Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc nhằm bảo tồn các hệ sinh thái và các loài hiệu quả hơn, (2) Thiết lập một mạng lưới các khu vực biển do địa phương quản lý để bảo vệ các hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển ở ba cụm đảo, (3) Tìm kiếm các giải pháp bảo tồn và mở rộng rừng ngập mặn để gia tăng môi trường sinh sản cho thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học vùng ven biển.
Dự kiến kết quả của dự án sẽ góp phần giải quyết các mối đe dọa hệ thống ở đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ các biện pháp đang được Chính phủ Việt Nam thực hiện, chẳng hạn như Luật Thủy sản sửa đổi, Nghị quyết 36 năm 2018, Nghị quyết 120 và Luật Quy hoạch năm 2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần