Hoa Kỳ sát cánh cùng Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDS

Linh Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong chương trình PEPFAR sử dụng thông điệp K = K để hỗ trợ các mục tiêu điều trị, được coi là phương pháp hay nhất cần nhân rộng toàn cầu.

Hoa Kỳ là nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với ngân sách trung bình vài chục triệu đô la Mỹ một năm, sát cánh cùng Việt Nam trong suốt hai thập kỷ qua.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan biểu dương sự đồng hành của Chính phủ Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 20 năm Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống về phòng, chống AIDS (PEPFAR) tại Hà Nội ngày 9/5/2023.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày 9/5. Ảnh: Linh Phạm    
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày 9/5. Ảnh: Linh Phạm    

Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới được hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình PEPFAR, và là nước đầu tiên ở châu Á với vai trò trọng điểm trong giai đoạn đầu của chương trình này.

Giai đoạn 2004-2022, PEPFAR đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 900 triệu đô la.

Trong giai đoạn 2013-2023, PEPFAR vẫn là nhà tài trợ lớn nhất chiếm tới hơn 40% tổng chi cho HIV/AIDS. PEPFAR và Quỹ Toàn cầu đã đóng góp tới gần 90% tổng chi cho thuốc ARV. Ngoài ra, chương trình trực tiếp hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc methadone; thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao.

Có thời điểm PEPFAR đã mua phần lớn các loại thuốc và vật phẩm y tế cho HIV, bao gồm thuốc kháng virus (ARV) và methadone; đẩy nhanh các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ tại các cơ sở y tế, trong đó có đầu tư vào nguồn nhân lực; hỗ trợ kỹ thuật về chính sách, kế hoạch, triển khai và đánh giá; xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng và khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ và hàng hóa liên quan đến HIV ngoài các cơ sở của nhà nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế một số giải pháp ưu tiên, đặc biệt là cung ứng thuốc và sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt. Đồng thời cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết cùng với hỗ trợ của PEPFAR tiếp tục xây dựng cơ chế tài chính cho việc chuyển giao bền vững các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và tổ chức xã hội nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper chia sẻ: “Những kết quả này thể hiện nỗ lực chung của PEPFAR và Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một chương trình ứng phó với HIV quốc gia bền vững, có tác động lớn đẩy nhanh các mục tiêu toàn cầu của UNAIDS về kiểm soát dịch HIV vào năm 2030”.

“Việt Nam thực sự nổi bật như một ví dụ toàn cầu về tính bền vững và huy động nguồn lực trong nước thông qua chương trình bảo hiểm y tế. Việt Nam đã rất nhanh nhạy thích ứng với tiến bộ khoa học để triển khai ứng phó toàn diện” - Tiến sĩ John N. Nkengasong, Đại sứ PEPFAR toàn cầu cho biết.

Ông cho rằng yếu tố quan trọng cho sự thành công của Việt Nam là khả năng thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ các cơ quan trung ương đến cấp tỉnh, các viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và thành viên tận tâm của cộng đồng cũng như các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: Linh Phạm    
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: Linh Phạm    

Kết quả ngoài mong đợi

Nhờ đó, Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Đặc biệt, Việt Nam giữ tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn dưới 0,3%.

Hơn 160.000 người ở Việt Nam đang được cấp thuốc ARV trong số khoảng 240.000 người nhiễm HIV trên toàn quốc. Chương trình PEPFAR hiện đang hỗ trợ tại 11 tỉnh trọng điểm có số người nhiễm còn sống chiếm 45,2 % trên cả nước.

PEPFAR hiện tại tập trung vào một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đạt được thành công trong ba mục tiêu chính của chương trình: (1) đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu 95-95-95 tại 11 tỉnh, thành phố có sự hỗ trợ của PEPFAR tại Vùng kinh tế phía Bắc và vùng Đô thị thành phố Hồ Chí Minh; và (2) đảm bảo chuyển đổi bền vững trách nhiệm chính về tài chính, hành chính và kỹ thuật của các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV cho Chính phủ Việt Nam; và (3) ứng phó với các điểm nóng mới nổi về HIV trên toàn quốc thông qua sáng kiến đáp ứng nhóm y tế công cộng (PHCR).

Đáng chú ý, PEPFAR đã thiết lập mối quan hệ hợp tác đối tác bền chặt với Bộ Y tế và nhiều đối tác liên quan khác để xây dựng lòng tin và nền tảng mạnh mẽ cho lĩnh vực ngoại giao y tế. PEPFAR cam kết giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của UNAIDS là 95-95-95 (tức là 95% số người nhiễm HIV được chẩn đoán, 95% trong số này được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và 95% số người được điều trị ARV đạt được ngưỡng ức chế virus).

PEPFAR cũng hợp tác và hỗ trợ quá trình Chính phủ Việt Nam dần tự chủ thực hiện ứng phó với HIV, đồng thời có sự tham gia chiến lược của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng để đưa các dịch vụ HIV đến gần hơn với cộng đồng và thúc đẩy năng lực của họ. Chính phủ Việt Nam đã chịu trách nhiệm chi phí và quản lý nhiều cấu phần trong danh mục điều trị HIV, bao gồm cả việc chi trả cho tất cả các dịch vụ và thuốc điều trị HIV. Tính đến cuối năm tài chính 2022, PEPFAR tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để đưa hơn 144.000 bệnh nhân điều trị ARV theo hình thức bảo hiểm y tế xã hội, trong đó có 80.000 bệnh nhân sử dụng thuốc TLD.

Bắt đầu từ năm 2017, PEPFAR đã làm việc với các tổ chức dựa vào cộng đồng và đối tác phi chính phủ để giải quyết kỳ thị liên quan đến HIV và cùng kết hợp U = U (Undetectable = Untransmittable) hay tương đương K = K trong tiếng Việt (Không phát hiện = Không lây truyền), gửi thông điệp vào các chương trình điều trị và dự phòng nhằm trao quyền cho tất cả những người sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV với hiểu biết rằng họ không thể lây truyền virus nếu họ được điều trị hiệu quả và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong chương trình PEPFAR toàn cầu xác nhận và sử dụng thông điệp K = K để hỗ trợ các mục tiêu điều trị. Sự đổi mới của Việt Nam trong K = K đã được chia sẻ như một phương pháp hay nhất để sử dụng trong các chương trình PEPFAR trên toàn cầu.