Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn của VN

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) có hiệu lực từ cuối năm 2001 đã dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu nhẩy vọt của ta sang Hoa Kỳ.

KTĐT - Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) có hiệu lực từ cuối năm 2001 đã dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu nhẩy vọt của ta sang Hoa Kỳ. Với BTA, hàng hóa xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ đã được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) thấp hơn nhiều lần so với thuế không ưu đãi mà ta phải chịu trước đó, làm cho hàng hóa của ta có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Thương mại song phương đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm qua.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nêu những đánh giá của mình về mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua.

- Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến đánh giá của mình về sự phát triển mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Với việc Hoa Kỳ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam vào cuối năm 2006, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước đã được bình thường hóa hoàn toàn. Trong những năm qua, quan hệ này đã phát triển rất tốt đẹp. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2009, mặc dù, nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm mạnh do tác động của khủng hoảng tài chính, song xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn ước đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tương đương với khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của ta. Hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Nhiều tập đoàn, công ty lớn của Hoa Kỳ như Intel, IBM, Citi Group, Coca Cola, Pepsi Cola, Chevron, AES... đã hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập chung dành cho các nước đang và kém phát triển (GSP) cũng như một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta đang phải chịu thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ như cá tra, cá basa và tôm.

Túi PE đựng hàng của ta cũng đang bị Hoa Kỳ điều tra bán phá giá.

- Thị trường Hoa Kỳ có vị trí như thế nào trong chiến lược phát triển kinh tế-thương mại của Việt Nam trong thời kỳ tới?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hoa Kỳ chắc chắn vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế-thương mại của Việt Nam. Đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất lớn và đa dạng, nhất là đối với những mặt hàng mà ta đang và có tiềm năng xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, điện tử, điện và gia công cơ khí.

Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những đối tác đầu tư có tiềm năng lớn nhất mà ta cần phải thu hút. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất mạnh về vốn và công nghệ, đặc biệt là các công nghệ nguồn và cao. Những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh đầu tư ở Việt Nam gồm các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, hóa dược, năng lượng, cơ khí chế tạo và cơ sở hạ tầng.

- Việc thực thi Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) thời gian qua đã tác động đến hoạt động thương mại song phương giữa hai nước như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) có hiệu lực từ cuối năm 2001 đã dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu nhẩy vọt của ta sang Hoa Kỳ. Với BTA, hàng hóa xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ đã được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) thấp hơn nhiều lần so với thuế không ưu đãi mà ta phải chịu trước đó, làm cho hàng hóa của ta có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Kết quả là kim ngạch xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ năm 2002 tăng hơn gấp đôi so với năm 2001, năm 2003 tăng gần gấp đôi so với năm 2002 và trong giai đoạn 2001-2008, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng hơn mười lần từ con số 1,05 tỷ USD năm 2001 lên tới 11,9 tỷ USD năm 2008, chủ yếu là các mặt hàng may mặc, giày dép, đồ gia dụng.

BTA cũng quy định giảm thuế nhập khẩu vào Việt Nam cho một số sản phẩm của Hoa Kỳ, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng.

Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại đã mang lại những lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước. Ngoài các nội dung về thương mại hàng hóa, BTA còn có các nội dung về đầu tư, dịch vụ và bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Nhờ những cam kết bảo hộ và mở cửa thị trường đầu tư và bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam mà các các doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm hơn và có nhiều cơ hội đầu tư hơn ở Việt Nam. Kết quả là đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong những năm qua đã tăng lên nhanh chóng. Hoa Kỳ hiện cũng đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.

- Phía Việt Nam sẽ làm gì để khai thác tốt những cơ hội và vượt qua thách thức, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương lên tầm cao mới?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong những năm tới, muốn tăng được kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất lớn, điều cốt lõi là ta phải tăng được nguồn cung có sức cạnh tranh, nhất là những mặt hàng công nghiệp chế biến và chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Nhà nước phải tập trung đổi mới quản lý, đơn giản các thủ tục hành chính, ban hành các luật pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát triển sản xuất, tạo ra những mặt hàng mới phi truyền thống có giá trị cao để xuất khẩu trong đó có xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Quy mô sản xuất nhỏ và dựa vào gia công thuần túy là những trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ với các đối tác nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.

Để khắc phục trở ngại này, các doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo và ổn định chất lượng hàng hóa, mở rộng quy mô và hạ giá thành sản xuất, đặc biệt là phải tổ chức tự cung ứng được đầu vào của sản xuất để có thể đón xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác vào Việt Nam và trở thành đối tác sản xuất trực tiếp và lâu dài cho các nhà nhập khẩu lớn của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, phía Hoa Kỳ sớm xem xét để Việt Nam được hưởng quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập chung GSP, sớm loại bỏ thuế chống phá giá đối với mặt hàng cá tra, cá basa và tôm của Việt Nam./.