Hoa nhài đã héo?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chưa đầy hai năm sau cuộc “Cách mạng hoa nhài”, lật đổ ông H.Mubarack – người đã cai trị Ai Cập suốt hơn 3 thập niên, người ta kỳ vọng “Mùa xuân Ả Rập” sẽ đơm hoa kết trái tại quốc gia Bắc Phi này.

Nhưng việc Tổng thống dân cử đầu tiên Mohamed Morsi bị lật đổ cho thấy, ổn định và thịnh vượng vẫn chỉ là những mong ước xa vời của người dân Ai Cập.

Sự bất ổn của đất nước Kim tự tháp được thể hiện rõ nhất trên các đường phố - nơi đã biến thành một chiến trường thực sự với xe tăng, xe bọc thép của quân đội. Trên khắp các đường phố tại thủ đô Cairo và những TP lớn khác, không có bóng dáng của bất kỳ một du khách nào, chỉ có gậy gộc, gạch đá được hàng chục ngàn người ủng hộ - phản đối ông Morsi sử dụng làm vũ khí tấn công. Ít nhất 42 người đã thiệt mạng và 322 người đã bị thương trong sáng 8/7 khi quân đội tấn công vào những người ủng hộ ông Morsi. Để trả đũa, những người có vũ trang ủng hộ Tổng thống bị phế truất đã bắt giữ hai binh lính và ép họ phải nói những lời ủng hộ ông Morsi và chống Chính phủ trên loa phóng thanh.
 
 
Hoa nhài đã héo? - Ảnh 1
 
Người biểu tình ủng hộ ông Mohamed Morsi bị thương sau khi đụng độ với quân đội Ai Cập.  Ảnh: BBC

Trong khi đó, trên nghị trường, các chính trị gia tiếp tục tranh cãi với nhau về thành phần của Chính phủ lâm thời và đảng Al-Nour Hồi giáo bảo thủ cực đoan từ chối tham gia các cuộc đàm phán nhằm định hướng tương lai của Ai Cập. Diễn tiến này không làm cho phe đối lập thực hiện các nỗ lực nhằm xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ. Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã sa thải Giám đốc Tình báo và Chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ dinh Tổng thống dưới thời ông Morsi. Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phản đối gay gắt những động thái của chính quyền mới, đồng thời tuyên bố sẽ “tiếp tục tiến hành biểu tình và nổi dậy cho đến khi phục chức cho ông Morsi”.

Giữa lúc quá trình phân cực chính trị vẫn đang là trở ngại lớn nhất cho nỗ lực lập lại trật tự và ổn định tại Ai Cập, việc phục hồi nền kinh tế đang bị tê liệt sẽ vô cùng quan trọng nếu như chính quyền lâm thời muốn kiểm soát những bất ổn chính trị châm ngòi cho cuộc nổi dậy mới. Các số liệu kinh tế ảm đạm khi ông Morsi còn đương chức phần lớn là do tàn dư từ chế độ kéo dài 30 năm của ông Mubarak. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, các số liệu thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời điểm ông Mubarak bị lật đổ. Vì thế, việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát tăng và thâm hụt ngân sách hiện đã lên tới gần 13% GDP là những điều kiện tiên quyết mà ông Mansour phải làm được.

“Cách mạng hoa nhài” đã kết thúc một cách chóng vánh mà không đem lại một kết quả đáng kể nào cho Ai Cập. Thậm chí, nếu chính quyền lâm thời không nhanh chóng ổn định tình hình, đất nước Kim tự tháp sẽ bị nhấn chìm trong bất ổn, tạo điều kiện cho các lực lượng khủng bố cực đoan khôi phục sức mạnh, khiến toàn bộ khu vực Bắc Phi – Trung Đông rơi vào vòng xoáy bạo lực mới.