Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chị Ngân cho biết, trưa nay, anh trai của chị Ngân phát hiện ra tấm ảnh của con gái chị Ngân có những đốm trắng, đến khi nhìn kỹ, anh phát hiện ra đó là loài hoa Ưu Đàm – một trong những loài hoa được nhiều người cho rằng 3000 năm mới nở một lần.
Ảnh của bé gái Khánh Thi là nơi hoa Ưu Đàm mọc lên. Ảnh: Quang Ngọc |
“Tôi thấy các bạn tôi ở Hà Nội từng khoe hoa Ưu Đàm nở trên cánh tủ quần áo rồi có người thì khoe hoa nở ở miệng bát sứ và thành lan can bằng sắt. Tôi có đưa hình ảnh lên facebook và nhận được nhiều lời chúc may mắn của bạn bè.” – Chị Ngân cho biết thêm. Theo truyền thuyết, hoa Ưu Đàm Bà la (Udumbara), gọi tắt là hoa Ưu Đàm. Hoa này khai nở là một sự kiện hy hữu chỉ xảy ra 3.000 năm một lần. Chính điều này đã khiến không ít người khi nhìn thấy hoa Ưu Đàm nở đã vô cùng kinh ngạc và nghĩ nhiều đến những điều tâm linh.
GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, thực chất loài hoa mà người ta gọi tên là hoa Ưu Đàm là sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Có thể gọi tên đúng của “hoa” này là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy.
Mặc dù đã được khoa học chứng minh đây là một loại nấm nhầy nhưng đối với nhiều người, hoa Ưu Đàm vẫn mang một ý nghĩa về sự may mắn. |
Tuy nhiên, GS Kiệt lý giải, sở dĩ người ta thường thần thánh hóa loài nấm này là vì sự xuất hiện của chúng cũng thực sự đặc biệt. Chúng thường xuất hiện trên các bức tượng phật bằng đồng, đá hoặc các thanh thép, lá cây… tuy nhiên phải là môi trường tốt lành, điều kiện môi trường sinh thái tốt chúng mới xuất hiện. Mặc dù vậy, hiện tượng này cũng không phải quá lạ bởi trước đó, vào năm 1997, người ta cũng đã phát hiện thấy hoa Ưu Đàm nở đã tại Hàn Quốc và sau đó là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Bắc California, New York và Texas.