Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoài Đức: Kịp thời hỗ trợ người lao động, không để người dân bị thiếu đói

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dồn hết tổng lực cho công tác phòng chống Covid-19 và không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện Hoài Đức luôn quan tâm, chăm lo không để người dân bị thiếu đói, gặp khó khăn trong đời sống.

Giáo viên mầm non phấn khởi được nhận tiền hỗ trợ
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 3642 của UBND TP Hà Nội, huyện Hoài Đức đã UBND huyện Hoài Đức đã ra Quyết định số 4113/QĐ-UBND ngày 3/8/2021 phê duyệt hỗ trợ cho 13 người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, mỗi người được nhận 3.710.000 đồng; kèm theo đó là hỗ trợ cho 11 trẻ em dưới 6 tuổi (con đẻ của NLĐ), 1.000.000 đồng/1 trẻ, với tổng số tiền 59.230.000 đồng.
Chiều cùng ngày, Phòng LĐTB&XH huyện Hoài Đức triển khai chi trả kinh phí hỗ trợ cho 13 NLĐ bằng hai hình thức: Tiền mặt  và chuyển khoản.
 Giáo viên trường Mầm non Newsun (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) đang nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc. 
Trực tiếp được nhận tiền mặt hỗ trợ ngay tại trường Mầm non New Sun, 5 giáo viên hết sức phấn khởi, vì từ đầu tháng 5/2021 đến nay phải nghỉ dạy học, không có lương; phải sống dựa vào bố mẹ, chồng. Nhận được 5.710.000 đồng tiền hỗ trợ, cô Trịnh Thị Hằng - Giáo viên nhà trẻ trường Mầm non Newsun (xã Đức Thượng,  huyện Hoài Đức) vui vẻ cho hay: Mấy tháng nay, gia đình em chỉ có ông xã đi làm, tiền lương đủ chi tiêu cho 2 con nhỏ; còn đâu nhờ bố mẹ chồng hỗ trợ. Với số tiền được hỗ trợ, em sẽ mua sữa, bỉm, thức ăn hằng ngày cho các con. Thời gian nghỉ dịch, chúng em được nhà trường bồi dưỡng tay nghề; chỉ mong sao khi hết dịch lại được đến trường để chăm sóc các bé tốt hơn.
Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương cho biết, hiện nay có 16 đơn vị (14 cơ sở giáo dục và 2 doanh nghiệp) đã liên hệ để được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Khi hồ sơ hoàn thiện và đủ điều kiện, phòng LĐTB&XH sẽ trình UBND huyện ra quyết định phê duyệt hỗ trợ ngay.
 Các giáo viên trường Mầm non Newsun đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trong khi chờ đến lượt nhận kinh phí hỗ trợ. Ảnh: Thủy Trúc.
“Chúng tôi đã triển khai tới các xã, thị trấn phát đơn trực tiếp tới NLĐ tự do thuộc đối tượng được hưởng chính sách. Tổ tình nguyện của từng xã, thị trấn sẽ đi thu đơn của NLĐ. Thực hiện Quyết định 3642 của UBND TP và hướng dẫn của huyện Hoài Đức, các xã thành lập Hội đồng thẩm định và làm việc theo đúng quy định.
Sau khi có danh sách NLĐ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, UBND xã, thị trấn công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND xã, thị trấn; nhà văn hóa thôn, khu dân cư, tổ dân phố; trang thông tin điện tử của xã, thị trấn trong 2 ngày làm việc. Và, sớm nhất trong tuần này, những NLĐ tự do trên địa bàn huyện sẽ được nhận tiền hỗ trợ” – bà Bùi Thu Hương thông tin.
Không để người dân nào bị thiếu đói
Ngoài việc thực hiện rà soát, phê duyệt, chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng thuộc chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP, thời gian qua huyện Hoài Đức đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát tất cả những người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo (huyện Hoài Đức không còn hộ nghèo) gặp khó khăn để kịp thời giúp họ vượt qua giai đoạn này.
Từ nguồn xã hội hóa, huyện Hoài Đức đã hỗ trợ 25 người có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 14.500.000 đồng; trên 5.000 hộ dân trong khu vực bị phong tỏa được hỗ trợ bằng hiện vật trị giá trên 1.069.000.000 đồng. Huyện Hoài Đức cũng đã hỗ trợ cho 1.026 hộ cận nghèo, mỗi hộ 500.000 đồng, với tổng số tiền 513.000.000 đồng.
 Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương và Chủ tịch UBND xã Đức Thượng Nguyễn Văn Thuấn trao tận tay số tiền hỗ trợ cho bà Nghiêm Thị Nguyệt thuộc hộ cận nghèo (thôn Phú Đa, xã Đức Thượng). Ảnh: Thủy Trúc.
Xúc động khi Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương và Chủ tịch UBND xã Đức Thượng Nguyễn Văn Thuấn trao tận tay số tiền hỗ trợ, bà Nghiêm Thị Nguyệt, 54 tuổi – thuộc hộ cận nghèo (thôn Phú Đa, xã Đức Thượng) rơm rớm nước mắt bộc bạch: Cả tháng nay, tôi không đi làm thuê nên cuộc sống của hai mẹ con rất khó khăn. May nhờ có hàng xóm cho mượn mảnh đất trồng được ít rau để ăn hằng ngày nên cũng đỡ. “Mẹ con tôi rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo huyện và xã đã hỗ trợ để vượt qua đại dịch này” – bà Nguyệt cảm động nói.
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch, huyện Hoài Đức còn hỗ trợ cho những NLĐ ngoại tỉnh có cuộc sống khó khăn. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh trên địa bàn xã Kim Chung có  307 NLĐ ngoại tỉnh làm thợ xây cho những công trình đang dừng hoạt động theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đang có nguy cơ thiếu đói, huyện Hoài Đức đã huy động các nguồn hỗ trợ. Theo đó, 307 NLĐ ngoại tỉnh hỗ trợ kịp thời 2 tấn gạo, 500 kg rau xanh và 200 kg thịt lợn.
 Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương và Chủ tịch UBND xã Kim Chung Phạm Ngọc Lê trao gạo và thịt hỗ trợ cho những người lao động ngoại tỉnh. Ảnh: Thủy Trúc.
Trực tiếp nhận đồ hỗ trợ là gạo, thịt, rau do Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương và Chủ tịch UBND xã Kim Chung Phạm Ngọc Lê trao, anh Vũ Duy Dương – Tổ trưởng tổ công nhân rất xúc động, chia sẻ: Ở đây có 21 công nhân, đa số là người dân tộc thiểu số ở Sơn La, Điện Biên..., ai cũng có gia đình và con nhỏ.
Lúc đầu, các công nhân đến làm việc đã được chủ công trình trả lương và gửi về quê một ít tiền để lo cho con cái, phần còn lại được dùng để mua thực phẩm ăn trong những ngày vừa qua. Nhưng đến giai đoạn này, nguồn lương thực gần như cạn kiệt rồi.
“Tôi cảm thấy rất xúc động khi được Nhà nước, chính quyền các cấp, lãnh đạo huyện và xã Kim Chung đã quan tâm đến người lao động hết sức kịp thời. Điều này rất đáng quý đối với những ng lao động xa quê như chúng tôi trong thời gian tạm dừng việc phòng chống dịch này” – anh Vũ Duy Dương bày tỏ.
Cùng với việc được nhận gạo, thịt, rau xanh từ nguồn xã hội hóa, những lao động ngoại tỉnh còn được phát đơn để nghiên cứu, điền thông tin đề nghị được hỗ trợ kinh phí. Ảnh: Thủy Trúc.
Bà Bùi Thu Hương cho biết, cùng với việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 3642 của UBND TP, hằng ngày huyện Hoài Đức đôn đốc các xã, thị trấn triển khai thực hiện, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống của người dân trên địa bàn và báo cáo về phòng LĐTB&XH huyện để có căn cứ tham mưu UBND huyện kịp thời để không ai bị bỏ lại phía sau.