Hoài nghi mức tuân thủ sản lượng, dầu Brent giảm sâu 6%

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại dịch bệnh, cùng với nguồn cung dầu từ OPEC+ và sự hoài nghi mức tuân thủ sản lượng của khối gia tăng, giá xăng dầu hôm nay ghi nhận tuần giao dịch giảm mạnh, dầu Brent giảm tới 6%.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới đã có xu hướng giảm mạnh khi thị trường ghi nhận diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 do biến chủng Delta và nguồn cung dầu thông tăng, bất chất loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, EU...
Ảnh minh họa.
Đầu giờ sáng 2/8, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 72,85 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 74,94 USD/thùng.
Loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, châu Âu chỉ giúp giá dầu thoát đà suy giảm, không rơi vào trạng thái lao dốc và có xu hướng tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 3/8, nhưng chỉ là trong ngắn hạn. Sự hoài nghi về mức độ tuân thủ sản lượng khai thác của các nước OPEC+ và diễn biến dịch Covid-19 tái bùng phát tại Mỹ, Trung Quốc đã kéo giá dầu ngày 4/8 đi xuống.
Thời điểm này, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 69,79 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 72,22 USD/thùng.
Áp lực giảm giá đối với giá dầu ngày một lớn khi thị trường dầu thô liên tiếp ghi nhận cảnh báo về tính chất và mức độ nguy hiểm của đợt tái bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 với biến chủng Delta và Delta Plus.
Tại Trung Quốc, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất đang khiến các điểm du lịch lớn của nước này đã buộc phải đóng cửa; các sự kiện lễ hội, ẩm thực... cũng buộc phải hoãn hoặc huỷ. Nhiều biện pháp nghiêm ngặt đã được áp dụng như Bắc Kinh đã cấm người dân từ 23 tỉnh, thành đến Thủ đô bằng đường sắt.
Trước lo ngại trên, Tập đoàn tài chính toàn cầu Nomura Holdings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III/2021 từ 6,4% xuống còn 5,1% và 3 tháng cuối năm giảm từ 5,3% còn 4,4%. Tính chung cả năm, Nomura Holdings hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 8,9% xuống còn 8,2%.
Tăng trưởng kinh tế của khu vực EU cũng có dấu hiệu chững lại khi các dữ liệu về chỉ số PMI dịch vụ tháng 7 chỉ đạt 59,8 điểm, thấp hơn mức dự báo 60,6 của Investing; doanh số bán lẻ khu vực EU tháng 6 tăng 5% so với cùng kỳ 2020 nhưng chỉ tăng 1,5% so với tháng 5, thấp hơn mức dự báo 1,7% của Investing; chỉ số PMI hỗn hợp của Đức tháng 7 ở mức 62,4; thấp hơn dự báo 62,5 của Investing, trong khi PMI dịch vụ chỉ đạt 61,8 điểm, thấp hơn mức dự báo 62,2…
Giới phân tích lo ngại, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến tiêu cực, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị gián đoạn, nhu cầu dầu thô sẽ sụt giảm mạnh khi các hoạt động sản xuất theo đó bị đình trệ.
Khách hàng đổ xăng tại cây xăng của PVOIL (ảnh minh họa).
Lo ngại này càng gia tăng khi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh trở lại sau nhiều tuần giảm giá liên tiếp. Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này tăng 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/7.
Ngoài ra, đồng USD duy trì đà phục hồi trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước tuyên bố giữ nguyên lãi suất cũng là nhân tố khiến giá dầu giảm.
Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 67,66 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 70,28 USD/thùng.
Như vậy tính từ đầu phiên giao dịch sáng ngày 2/8 đến chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu WTI giao tháng 10/2021 đã giảm 5,19 USD/thùng và giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đã giảm 4,66 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.498 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.681 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.375 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.398 đồng/lít; giá dầu mazut không cao hơn 15.522 đồng/kg.
Trung Quốc ngày 1/8 đã công bố số 75 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 53 ca cộng đồng và được phát hiện tại 10 tỉnh. Tính trong 10 ngày gần đây, Trung Quốc đã ghi nhận 284 ca nhiễm tại 14 tỉnh, thành. Tại Mỹ, theo số liệu được Đại học Johns Hopkins và Bloomberg công bố ngày 30/7, số ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận tăng tới 5 lần so với một tháng trước đó và cao nhất kể từ tháng 2/2021 với 540.00 trường hợp.
Diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 đã buộc Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu phải tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc hạn chế đi lại. Trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu thô đang đứng trước những rủi ro lớn thì nguồn cung dầu thô lại tăng theo thoả thuận của OPEC+, cũng như việc các nước xuất khẩu dầu sẵn sàng tăng sản lượng.