Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoài niệm 36 phố phường xưa

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” do Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ Việt Nam và Đại sứ quán Pháp phối hợp tổ chức, đã khai mạc sáng 6/9 tại Hà Nội. Người xem đã ngược dòng thời gian trở lại với không gian Hà Nội 36 phố phường cổ kính, gần gũi xưa.

Người dân thủ đô tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng
Triển lãm giới thiệu 130 tài liệu, hình ảnh, trong đó có nhiều tài liệu bản gốc hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã phần nào tái hiện đời sống sinh hoạt, văn hoá, tôn giáo của người dân Hà Nội; khu phố cổ – nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội ba sáu phố phường” thuở xưa; Thành cổ Hà Nội với quy mô và kiến trúc độc đáo; Văn Miếu - Quốc Tử Giám – trường đại học lâu đời nhất Việt Nam; thắng cảnh Hồ Tây cùng nhiều di tích lịch sử bao quanh; Hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn cùng các công trình mang đậm phong cách kiến trúc Á - Âu thời Pháp thuộc…
Cách đây tròn 130 năm, năm 1888 bằng Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, TP Hà Nội chính thức được thành lập. Trải qua hơn một thế kỷ với tư cách là một đô thị trung tâm không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Dương, Hà Nội vẫn luôn giữ được những nét văn hóa riêng biệt.
Tại triển lãm này, thông qua các tài liệu và tư liệu lưu trữ tiêu biểu, trong đó một số lần đầu tiên được công bố sẽ mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về một Hà Nội xưa, ngàn năm văn hiến.
Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” còn là dịp để công chúng được tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, quy hoạch, kiến trúc… của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng như phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.