Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, dừng đỗ xe vẫn diễn ra khá tùy tiện. Dù ngành chức năng TP đã tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân giải tỏa nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Người ta thường ví việc xử lý trật tự đô thị như "đá ném ao bèo". Khi ra quân cao điểm thì gọn gàng, ngăn nắp, nhưng khi lực lượng rút đi thì người dân tái lấn chiếm.
Với hạ tầng đô thị như hiện nay, việc kiếm được một chỗ đỗ xe đúng quy định không phải dễ, đặc biệt trong khu vực phố cổ, phố cũ. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, không ít người dù biết vi phạm cũng đành nhắm mắt đỗ liều, đỗ bừa. Nhưng cũng không thiếu kẻ gần như chầy bửa, đỗ lấy được nên khi lực lượng chức năng xuất hiện, có khi chủ xe ngồi uống nước ngay bên kia đường vẫn bất hợp tác. Cho tới khi xe cẩu phương tiện được điều tới mới xuất hiện. Việc lái xe vi phạm không chịu xuất hiện hoặc cố tình đóng cửa xe bỏ đi chỗ khác gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng, từ đó dẫn tới hiệu quả xử lý không cao.
Có thể thấy, việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán dưới bất kỳ hình thức nào cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, mức xử phạt tăng gấp đôi, lên 200.000 đồng đến 400.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng (trong khi Nghị định 46/NĐ-CP trước đây, mức phạt chỉ từ 100.000 đến 200.000 đồng, không qui định tước giấy phép lái xe) đối với hành vi vi phạm đỗ ô tô chiếm một phần đường xe chạy mà không đặt ngay biển báo nguy hiểm... Đây chính là “liều thuốc” đặc trị những trường hợp cố tình dừng đỗ xe tùy tiện.
Nhìn ra tỉnh bạn thì thấy, từ 25/2 tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ngành chức năng đã áp dụng hình thức dán thông báo phạt nguội lên kính nếu cố tình dừng đỗ sai quy định “như bên Tây”, khiến cánh tài xế khiếp vía! Có lẽ đã đến lúc Hà Nội cũng nên áp dụng biện pháp này để khỏi phải gọi loa, nhắc nhở. Cứ phạt thật nghiêm các hành vi vi phạm, không nói nhiều!