Hoàn thành di dời dân tại 3 chung cư nguy hiểm cấp độ D

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba Đình là quận có nhiều nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D nhất TP, với 5 nhà, được ưu tiên triển khai cải tạo, xây dựng lại trong đợt 1 theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội.

Đến nay, quận Ba Đình đã hoàn thành di dời toàn bộ các hộ dân tại 3 nhà và hiện đang khẩn trương di dời nốt các hộ còn lại tại 2 nhà nguy hiểm cấp độ D.

Trên địa bàn quận Ba Đình hiện có 217 nhà chung cư cũ phân bố thành 4 khu tập thể tập. Trong đó có 5 nhà chung cư đã có kết quả kiểm định chất lượng đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D (nhà A Ngọc Khánh, nhà C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, Tập thể Bộ Tư pháp và nhà số 148-150 phố Sơn Tây).

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và các kế hoạch triển khai đề án, quận Ba Đình đã xác định quyết tâm sớm di dời những hộ dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm. Đến nay, quận đã hoàn thành công tác di dời toàn bộ 106 hộ dân tại 3 chung cư nguy hiểm cấp D.

Cụ thể, tại tập thể Bộ Tư pháp, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 42 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với các hộ dân tại 2 đơn nguyên nguy hiểm cấp D, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 928 triệu đồng. Đến nay, 42/42 hộ gia đình bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền hỗ trợ và nhận nhà tạm cư. UBND quận Ba Đình đã tổ chức triển khai đo đạc, lập xong bản đồ hiện trạng 1/500, xin cung cấp chỉ giới đường đỏ và số liệu hạ tầng kỹ thuật.

Nhà A khu tập thể Ngọc Khánh đã hoàn thành di dời dân, được  chính quyền lập hàng rào chắn bảo vệ và cắm biển cảnh báo.
Nhà A khu tập thể Ngọc Khánh đã hoàn thành di dời dân, được  chính quyền lập hàng rào chắn bảo vệ và cắm biển cảnh báo.

Đơn nguyên 1 nhà A tập thể Ngọc Khánh, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 27 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với 27 hộ dân, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 955 triệu đồng. Đến nay, 27/27 hộ gia đình đã bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền hỗ trợ và nhận nhà tạm cư (gồm 26 hộ nhận nhà tạm cư, 1 hộ nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở).

Đối với toàn khu, hiện nay, UBND quận Ba Đình đã đo đạc hiện trạng, xin cấp chỉ giới đường đỏ đối với cụm chung cư A, B, D tập thể Ngọc Khánh; đang thực hiện xây dựng cơ cấu quy hoạch và tổng mặt bằng cụm chung cư A, B, D tập thể Ngọc Khánh (có nhà A thuộc diện nguy hiểm cấp D) để trình Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận  trước nhằm kêu gọi nhà đầu tư triển khai xây dựng lại cụm chung cư nêu trên.

Tại đơn nguyên 3 nhà C8 tập thể Giảng Võ, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 37 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với 36 hộ dân và 1 cơ quan, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn  4 tỷ đồng. Đến nay có 36/37 trường hợp đã nhận tiền hỗ trợ, nhận nhà tạm cư và bàn giao căn hộ cũ (gồm 1 cơ quan, 19 hộ dân nhận căn hộ tạm cư và 16 hộ dân nhận tiền tự lo chỗ ở). Còn lại 1 hộ đã di dời ra khỏi nhà C8 tuy nhiên chưa đồng thuận nhận tiền hỗ trợ và nhà tạm cư.

Hiện nay, quận Ba Đình đã tổ chức đo đạc, lập xong bản đồ hiện trạng 1/500 khu tập thể Giảng Võ (sử dụng kinh phí của Quận); gửi Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị cung cấp chỉ giới đường đỏ và số liệu hạ tầng kỹ thuật đối với khu tập thể Giảng Võ; đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự toán chi phí phục vụ công tác lập Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại tập thể Giảng Võ để trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định phê duyệt.

Trong ngày 7/2, hai nhà chung cư cũ cấp độ D là đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh và đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ đã hoàn thành việc di dời người dân. Chính quyền địa phương đã lập hàng rào chắn bảo vệ tại những khu vực này.

Theo ông Tạ Nam Chiến, ngoài việc đã hoàn thành việc di dời các hộ dân khỏi 3 nhà chung cư nguy hiểm nói trên, hiện còn 23 hộ dân tại 2 đơn nguyên nhà G6A Thành Công và 3 hộ tại nhà số 148-150 phố Sơn Tây Sơn chưa chịu di dời.

Về lý do có những hộ dân vẫn kiên quyết phản đối, chưa chịu di dời khỏi nhà chung cư nguy hiểm là do chưa đồng thuận với kết quả kiểm định (đã thực hiện 2 lần kiểm định chất lượng công trình và kết quả đều đánh giá chung cư nguy hiểm cấp độ D). Bên cạnh đó, chưa đồng ý đến nơi tạm cư do chất lượng nhà tạm cư kém và vị trí quá xa với nơi ở cũ nên ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, làm việc và học tập của hộ gia đình.

Ngoài ra, yêu cầu được gặp chủ đầu tư của dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư để kiến nghị về thời gian thực hiện và chính sách, phương án tái định cư. 

“Trong tháng 2/2023, UBND quận Ba Đình tiếp tục vận động các hộ dân trên nhận tiền tạm cư và bàn giao căn hộ; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với trường hợp cố tình chống đối” – ông Tạ Nam Chiến cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần