Huyện Đông Anh hoàn thành giải quyết đất dịch vụ: Ổn định đời sống người dân

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tổng số 735 hộ gia đình thuộc diện được giao đất ở (đất dịch vụ) theo chính sách GPMB từ trước năm 2009, đến nay huyện Đông Anh (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành, nhằm ổn định đời sống cho người dân thuộc diện phải thu hồi đất nông nghiệp.

Chính sách xuyên suốt đến cơ sở

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, công tác giao đất ở (đất dịch vụ) cho hộ dân đủ điều kiện theo chính sách  GPMB trên địa bàn TP Hà Nội nói chung và huyện Đông Anh nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Thành ủy, UBND TP quan tâm, sát sao chỉ đạo. Và huyện Đông Anh đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh phát biểu tại lễ bắt thăm.

Trên quan điểm chỉ đạo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ dân. Trong quá trình triển khai, huyện nhận được sự ủng hộ của những hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được hưởng chính sách GPMB theo quy định. Vì vậy, đến nay, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ giao đất ở (đất dịch vụ) cho hộ dân theo đúng tiến độ TP giao.

“Để hoàn thành nhiệm vụ trên, huyện Đông Anh đã xây dựng quy chế chặt chẽ, công khai, dân chủ, có sự giám sát của tất cả các cơ quan pháp lý, người dân. Huyện cũng tập trung hướng dẫn những hộ gia đình có sự chuẩn bị kỹ càng, tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng sự cả tin của Nhân dân để lừa đảo, can thiệp vào quá trình bốc thăm hoặc trong quá trình thực hiện nếu phát hiện nội dung gì bất thường, thiếu khách quan, chưa minh bạch người dân có quyền đề nghị phản ánh lại ngay với chính quyền, lực lượng công an để giải quyết kịp thời” – ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.

Buổi lễ bắt tham có sự chứng kiến, tham gia của các cơ quan pháp lý và đông đảo người dân.

Đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ

Ngày 29/12, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức lễ bắt thăm giao đất ở (đất dịch vụ) cho các hộ dân đủ điều kiện theo chính sách GPMB. Chỉ tính riêng trong buổi bắt thăm này có 197 hộ gia đình được bắt thăm thuộc 5 xã (Kim Chung: 41 hộ, Cổ Loa: 9 hộ; Xuân Canh: 21 hộ; Vĩnh Ngọc: 122 hộ; Đông Hội: 4 hộ) tại 201 thửa đất vị trí, điều kiện hạ tầng tốt nằm trên địa bàn xã Đông Hội, Mai Lâm, Nguyên Khê.

Trước đó huyện cũng tổ chức bắt thăm, giao đất cho 534 hộ gia đình với diện tích 4.264ha đạt 71,7% (1 hộ đã tổ chức bắt thăm nhưng chưa giao). Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tổng số hộ gia đình đã được xem xét, phê duyệt phương án để giao đất ở (đất dịch vụ) trên địa bàn huyện là 731/735 hộ. Còn lại 4 hộ gia đình chưa được phê duyệt vì đang rà soát, thanh tra do chưa đủ hồ sơ.

Lễ bắt tham gia đất dịch vụ cho người dân diễn ra công khai, dân chủ.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc Nguyễn Xuân Tưởng cho biết, trong đợt giao đất dịch vụ lần này xã Vĩnh Ngọc là địa bàn có số lượng hộ gia đình được phê duyệt nhiều nhấ. Đây đều là những hộ gia đình thuộc diện phải thu hồi đất để phục vụ đầu tư dự án công viên, nghĩa trang, cầu Nhật Tân... bị thu hồi từ 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên; thời gian thu hồi đất vào năm 2008, thời điểm vẫn còn cơ chế bồi thường đất dịch vụ khi người dân bị thu hồi đất nông nghiệp.

“Hiện nay, trên địa bàn xã còn 3 hộ gia đình thuộc diện được giao đất dịch vụ, nhưng chưa thể thực hiện do cơ quan chức năng phải tổ chức xác minh lại số nhân khẩu và diện tích đất. Sau khi xác minh xong chúng tôi sẽ kiện toàn hồ sơ, báo cáo lại huyện để có phương án xử lý” – ông Nguyễn Xuân Tưởng thông tin.

Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ hoàn thành việc giao đất dịch vụ vào năm 2019, nhưng trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc, đặc biệt là do cho chế, chính sách giao đất trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng dự án đất dịch vụ… Trong khi đó, theo quy định vị trí giao đất dịch vụ phải là khu vực thuận lợi để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, địa phương và người sử dụng đất và đời sống người dân bị thu hồi đất được ổn định lâu dài.

Do vậy, việc huyện Đông Anh sớm hoàn thành công tác giao đất dịch vụ cho người dân trên địa bàn sẽ giúp địa phương tập trung kiện toàn hệ thống hạ tầng để phát triển huyện thành quận giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Ngày 1/6/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1690/UBND-ĐT, nhằm giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc về giao đất dân cư dịch vụ. Theo đó, UBND TP đã giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Thanh tra TP và UBND các quận, huyện liên quan rà soát, phân loại các trường hợp cần giao đất dịch vụ trên địa bàn TP qua từng thời kỳ và các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn...