Trong đó, những mảnh ghép cuối cùng gồm 6 phân khu nội đô lịch sử và 2 phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Đây là những đồ án quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo bước đột phá xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo sinh kế, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Cơ hội tái thiết đô thị lịch sử
Trong nhiều năm qua, khu vực nội đô lịch sử Hà Nội gồm 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã phải chịu rất nhiều sức ép trong quá trình phát triển đô thị. Dân số tăng nhanh trong khi không còn quỹ đất để phát triển, hệ quả dẫn đến là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu không gian xanh, giá trị di sản ngày một xuống cấp… Nhất là khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm), di sản vô giá của Thủ đô phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như điều kiện nhà ở thấp kém, cơ sở hạ tầng xuống cấp, cảnh quan đô thị không hấp dẫn, bất cập nhiều vấn đề giao thông.
Phó Viện trưởng Quy hoạch Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, tại khu vực nội đô lịch sử thời gian qua còn tồn tại không ít các bất cập. Trong đó nổi cộm là vấn đề hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, nhất là khu vực phía Tây và phía Nam TP như tại quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Ngoài ra, các công trình công cộng đô thị, hệ thống trường học thiếu so với quy chuẩn hiện hành…
Với quyết tâm tạo cơ sở pháp lý để tái thiết đô thị, đem lại sinh kế, nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực lõi Thủ đô, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ diện tích hơn 2.700ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và công bố vào cuối tháng 3/2021. Đây là cơ hội để các quận xác định dự án đầu tư xây dựng, triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị. Đặc biệt, các đồ án sẽ giúp việc cải tạo hơn 1.500 chung cư cũ, chủ yếu nằm ở 4 quận lõi thêm thuận lợi mà từ lâu được coi là “bài toán khó” ở Thủ đô, đáp ứng sự mong mỏi của hàng vạn người dân đang sống trong các khu nhà tập thể cũ.
Bà Ngô Minh Ngọc, nhà C2 tập thể Kim Liên (phường Kim Liên, quận Đống Đa) chia sẻ, các quận lõi trung tâm Hà Nội hiện có rất nhiều khu tập thể được xây cách đây 50 - 60 năm đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Nhất là vừa qua xảy ra vụ cháy tại nhà B9 Kim Liên, rất nhiều người sống trong các căn nhà tập thể xuống cấp luôn có tâm trạng bất an, lo lắng. “Chúng tôi đều mong mỏi, khi đã có quy hoạch, kế hoạch, việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ được đẩy nhanh hơn để người dân sớm được cải thiện điều kiện sống” – bà Ngọc bày tỏ.
Cùng với đó, để đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu nội đô lịch sử, một trong những mục tiêu quan trọng của các bản quy hoạch là từng bước thực hiện lộ trình giãn dân khu vực đô thị lõi. Giãn dân là yếu tố then chốt để thực hiện nhiều mục tiêu của quy hoạch phân khu. Bởi chỉ có giãn dân, mới tạo thêm được các không gian cho đô thị. Với dân số hiện trạng là trên 887.000 người, theo quy hoạch đến năm 2030 tại khu vực này được giới hạn khoảng 672.000 người sinh sống. Ðiều này có nghĩa, trong gần 10 năm tới, Hà Nội phải di dời hơn 215.000 người.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, định hướng của quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử được phê duyệt cũng gắn với đề án giãn dân mà quận triển khai trong nhiều năm qua. Cùng với việc di chuyển các hộ dân sống trong di tích, công sở, trường học do chính quyền thực hiện thì nhiều người dân đã chủ động di chuyển ra ngoài. Nhu cầu của người dân hiện nay cao hơn so với trước, nhiều người mong muốn có diện tích nhà ở lớn hơn, tiện nghi hơn, nhà ở trong phố cổ không đáp ứng được. Chính vì thế 6 năm qua, dân số tại quận đã giảm được 20.000 người.
Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy với nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh trang đô thị, trong đó xác định 4 quận nội đô lịch sử: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng - những quận chủ lực thực hiện nhiệm vụ này. Với các quy hoạch phân khu nội đô đã được phê duyệt bao trùm 4 quận có định hướng chính là bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô.
Đồng thời cải tạo các không gian ở hiện có; cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ; phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị; bảo tồn di tích; phát triển các trục chính đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm. Đây cũng là những nhiệm vụ chính mà Chương trình 03 đặt ra, đang được 4 quận và các sở, ngành TP tập trung thực hiện.
Cụ thể, tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang 180 tuyến phố sau khi hạ ngầm sắp xếp đường dây, cáp đi nổi; đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 45 công viên, vườn hoa; chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954; cải tạo tái phát triển hạ tầng giao thông; lập đề án, kế hoạch cải tạo, xây mới các khu tập thể cũ; lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng…
Trục không gian đặc trưng trong tương lai gần
Cùng với việc phê duyệt quy hoạch tại 4 quận lõi, bản quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển TP ven sông, cũng vừa hoàn thành và được ký phê duyệt sau nhiều năm chờ đợi của người dân Thủ đô. Với tổng chiều dài gần 120km chảy qua nhiều quận, huyện, của Thủ đô, từ bao đời nay, sông Hồng có vai trò quan trọng và gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Tuy nhiên, lâu nay, khu vực ngoài bãi sông Hồng chưa có quy hoạch nên nguồn lực đất đai, cũng như việc khai thác, thúc đẩy các dự án phát triển hai bên bờ sông vẫn chưa được đánh thức. Bên cạnh đó, còn rất nhiều hệ lụy, từ môi trường sinh thái, quản lý đất đai, cuộc sống người dân...
Sau khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, vùng đất ven sông trải dài 40km, (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), bao phủ diện tích 11.000ha và Quy hoạch phân khu đô thị sông Ðuống với diện tích hơn 1.150ha (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) sẽ là cơ sở để chính quyền 13 quận, huyện thuộc phạm vi quy hoạch triển khai lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư cụ thể, cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Từ đây, Hà Nội có cơ hội đột phá để xây dựng, phát triển TP hướng mặt vào sông chứ không quay lưng ra sông như hiện tại.
Một trong những định hướng lớn của bản quy hoạch là di dời, tái định cư tại chỗ một số hộ dân trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực bị sạt lở, mất an toàn. Đặc biệt, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại những khu dân cư được phép tồn tại, đáp ứng mong mỏi của đông đảo cư dân.
Bà Nguyễn Thị Sự, sống tại khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) chia sẻ, mặc dù khu dân cư đã tồn tại ổn định nhiều năm nay nhưng do không nằm trong danh mục các khu dân cư được tồn tại theo quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình nên người dân rất lo lắng, không biết có phải di dời chỗ ở hay không. Vì thế, ngay khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng công bố, trong đó cho phép các khu dân cư hiện có ở bãi sông thuộc 4 quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Hai Bà Trưng không ở khu vực lòng sông co hẹp, có nguy cơ mất an toàn khi lũ lớn được tồn tại, không phải di dời thì người dân đã rất vui mừng, yên tâm làm ăn, sinh sống.
Bên cạnh đó, quy hoạch đã mở ra hướng phát triển mới cho Thủ đô bằng việc định hướng đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường, cây cầu mới bắc qua sông. Đồng thời khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông, hướng TP ra sông. Và điều mà người dân đang chờ đợi làm sao từ bản vẽ quy hoạch đến thực địa là những công trình chất lượng, phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh.
Là một trong những địa phương có nhiều diện tích đất khu vực ngoài bãi sông Hồng, quận Hoàng Mai có hơn 900ha thuộc địa bàn 4 phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú và Yên Sở. Trong đó có khoảng 100ha đất thuộc làng xóm cũ, ngoài ra, diện tích các cơ sở sản xuất kinh doanh, cảng kho… Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh cho rằng, theo Quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được phê duyệt, khu dân cư ngoài bãi Hoàng Mai được tồn tại, dành quỹ đất 5% phát triển. Đây là cơ hội lớn để địa phương đầu tư xây dựng, ổn định đời sống người dân. Đồng thời, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất bãi sông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Còn đối với huyện sắp thành quận như Thanh Trì, phân khu đô thị sông Hồng đi qua địa bàn huyện có diện tích khoảng hơn 1.135ha, với hơn 8.000 hộ dân sống ngoài đê chủ yếu thuộc các xã Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc. Đây cũng là khu vực không phải di dời dân cư và được dành quỹ đất phát triển mới. Căn cứ vào quy hoạch được duyệt huyện sẽ nghiên cứu đầu tư phát triển các tuyến đường giao thông, không gian xanh công cộng nhằm đáp ứng các tiêu chí xã lên phường, huyện lên quận mà huyện còn đang thiếu.
Để sớm triển khai quy hoạch vào thực tế, mong muốn của các quận, huyện là Sở QH - KT sớm xác nhận hồ sơ bản vẽ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng phù hợp với quyết định phê duyệt để bàn giao cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương mới có thể tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với những khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Đồng thời, lập các dự án đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng phát triển mới.
"Những kết quả rõ nét công tác quy hoạch, xây dựng thời gian qua đã thể hiện quyết tâm rất lớn của TP. Với 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống được phê duyệt, đã hiện thực hóa một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội là đến năm 2025 tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 100%.
Những đồ án được duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch, hình thành các trục không gian đặc trưng, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, khu văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững." - Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh
"Việc TP Hà Nội phê duyệt và công bố hai Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống và 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao trùm 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã làm cho bức tranh tổng thể về quy hoạch không gian Hà Nội được hoàn chỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Với hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống, Hà Nội sẽ hình thành các trục không gian đặc trưng trong tương lai gần như hành lang xanh với các công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, du lịch dịch vụ - giải trí. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để phát triển các không gian sáng tạo, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa kiến trúc ở hai bờ sông, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, tạo động lực để hình thành và phát triển các đô thị, khu đô thị mới phía Bắc sông Hồng.
Và một điều rất quan trọng, dù đây mới chỉ là quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, sau đó còn các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị... cụ thể hóa chức năng, vị trí, địa điểm để mời gọi đầu tư, sử dụng hợp lý quỹ đất, tạo nguồn lực phát triển bền vững nhưng các quy hoạch này đã hướng đến quyền lợi của người dân không chỉ ở khu vực phạm vi quy hoạch mà còn cho cả Thủ đô. Qua đó tạo niềm tin cho Nhân dân vào cuộc sống hạnh phúc của mình, cho dù từ quy hoạch đến thực tế phát triển còn nhiều khó khăn, thách thức." - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam Phạm Thanh Tùng