KTĐT - Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc sửa đổi, bổ sung trên phải theo hướng quy định cụ thể các loại hình chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cần thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.
Để công tác đánh giá môi trường chiến lược thực sự khả thi, hiệu quả, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá môi trường chiến lược trong Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006.
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc sửa đổi, bổ sung trên phải theo hướng quy định cụ thể các loại hình chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cần thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Đồng thời, các hình thức đánh giá môi trường chiến lược phải tương ứng với loại hình và mức độ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm phù hợp thực tiễn và Luật Bảo vệ môi trường, trình Chính phủ trong Quý II năm 2010.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan hoàn chỉnh hồ sơ Dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác đánh giá môi trường chiến lược trong việc lập, thẩm định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng trong tháng 2 năm 2010.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành Thông tư hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược.
Về việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường , Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Được biết, công tác đánh giá môi trường chiến lược khá phổ biến trên thế giới, nhưng vì những khó khăn khác nhau, số lượng dự án có triển khai công tác đánh giá môi trường chiến lược ở Việt Nam còn hạn chế.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là diện dự án yêu cầu phải lập báo cáo công tác đánh giá môi trường chiến lược là rất lớn. Theo Luật Bảo vệ môi trường, có tới 6 loại chiến lược, quy hoạch và kế hoạch (CQK) cần lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, bao gồm các CQK: phát triển kinh tế xã hội cấp quốc gia; phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước; phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh, cấp vùng; quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh.