Đây được coi là tiền đề để hình thành hệ thống “mắt thần” phục vụ quản lý đô thị, tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Sức người không xuể
Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người dân sinh sống, học tập và làm việc thường xuyên, gần 8 triệu phương tiện giao thông. Trong khi đó cả TP chỉ có chưa đến 2.000 cảnh sát giao thông (CSGT), mỗi phường, xã chỉ có trên dưới 20 cán bộ, chiến sĩ công an. Với tương quan chênh lệch quá lớn như vậy muốn đảm bảo tốt công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông là vô cùng khó khăn.
Chỉ huy Đội CSGT số 3 chia sẻ: “Thiếu camera giám sát, ghi hình phạt nguội, lực lượng CSGT phải dàn mỏng trên nhiều tuyến đường, đảm bảo nhiều công tác vừa phân luồng, điều tiết giao thông vừa xử phạt vi phạm, hiệu quả khó có thể được nhưu mong đợi. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị với các cấp chức năng nhiều lần”.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trên toàn địa bàn Thủ đô hiện mới có khoảng 600 camera lắp đặt trên các tuyến đường trục chính, trong đó chỉ khoảng 25% có tính năng ghi hình phạt nguội, còn lại là để giám sát, theo dõi lưu lượng giao thông. Hạ tầng cơ sở nghèo nàn như vậy là một trong những khó khăn rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức, điều tiết giao thông cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Ông Trần Văn Bính - Tổ trưởng bảo vệ Tổ dân phố số 2, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chia sẻ: “Với những khu dân cư đông đúc, nhiều ngõ ngách rất cần hệ thống camera giám sát an ninh để cảnh báo cũng như ghi hình làm căn cứ, cơ sở để truy vết vi phạm. Có camera an ninh sẽ giúp công tác quản lý địa bàn thuận lợi hơn, bớt đi phần nào vất vả cho lực lượng chức năng, đoàn thể địa phương”.
Có thể thấy, vai trò vô cùng quan trọng của hệ thống camera giám sát đối với một đô thị đông dân cư, áp lực giao thông lớn như Hà Nội. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Lắp đặt hệ thống camera là trang bị "mắt thần" cho lực lượng chức năng cũng như cơ quan quản lý đô thị. Qua hệ thống đó vừa có thể thu thập dữ liệu thời gian thực về giao thông, môi trường, dân cư… để phục vụ công tác quy hoạch, quản lý; vừa giám sát, đảm bảo an toàn xã hội, đặc biệt là công cụ đắc lực góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng của Thủ đô”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát, thu thập dữ liệu là một trong những hạng mục hạ tầng cần được Hà Nội ưu tiên đầu tư vào thời điểm này. Nhưng việc đầu tư cả một hệ thống lớn, toàn diện với kinh phí có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng như vậy phải có sự tính toán cẩn thận, chi tiết để mang lại hiệu quả tối đa đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội.
Mặt khác, hệ thống camera giám sát, thu thập dữ liệu dân cư, giao thông… còn là một hợp phần quan trọng, phải được đầu tư trước trong hạ tầng kỹ thuật của đô thị thông minh. Do đó việc chuẩn bị lắp đặt đặt mạng lưới camera cho cả TP lại càng trở nên quan trọng vào thời điểm này.
Đầu tư hợp lý
Trước đó, ngày 8/12/2023, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 -2026. Trong đó HĐND TP đề nghị UBND TP đánh giá tổng thể thực trạng công tác quản lý, phát triển giao thông đô thị trên địa bàn TP; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời nghiên cứu, khẩn trương xây dựng hoàn thiện hệ thống camera giao thông để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý và xử phạt người vi phạm; nghiên cứu, đề xuất nâng mức xử phạt đối với một số hành vi.
Việc đầu tư hệ thống camera giám sát, thu thập dữ liệu đô thị cho Hà Nội có thể tiêu tốn đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, các chuyên gia cho rằng TP nên phân kỳ đầu tư, trong từng giai đoạn sẽ tập trung cho các mục tiêu cụ thể.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định, một trong những vấn đề lớn nhất của Thủ đô hiện nay là ùn tắc giao thông. Mà nguyên nhân không nhỏ bắt nguồn từ việc nhiều người dân có ý thức kém, không chấp hành luật khi tham gia giao thông. “Để nâng cao ý thức, bên cạnh tuyên truyền phải tăng cường xử phạt. Đặc biệt là áp dụng xử phạt nguội qua camera ghi hình để tránh tiêu cực cũng như năng suất, hiệu quả hơn, có tính răn đe hơn với người tham gia giao thông” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.
Theo tính toán của một số chuyên gia, Hà Nội cần hàng nghìn camera vừa giám sát, thu thập dữ liệu giao thông, vừa ghi hình phạt nguội. Muốn tiết kiệm chi phí đầu tư, các tính năng này phải được tích hợp chung trên một chiếc camera. TS Đặng Minh Tân - giảng viên Đại học GTVT cho rằng, phát triển giao thông thông minh cần tập trung vào 3 yếu tố chính là thu thập dữ liệu, xử lý và truyền phát thông tin. Cụ thể, cần xây dựng hệ thống camera để thu thập thông tin; xây dựng một trung tâm thông tin chung và tích hợp các ứng dụng để truyền phát thông tin.
Như vậy, song song với việc lắp đặt hệ thống camera giao thông trên toàn TP, Hà Nội cần đầu tư một trung tâm thông tin, nơi thu thập lưu trữ dữ liệu dùng chung cho các hoạt động quản lý, điều hành giao thông, thậm chí là cung cấp dữ liệu cho quá trình xây dựng đô thị thông minh sau này.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, từ nay đến năm 2030, cần hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh của Hà Nội tích hợp, hoàn thiện tối thiểu 10 chức năng chính gồm: giám sát; điều khiển; cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm; giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng; tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử; quản lý nhu cầu giao thông; quản lý vận tải hàng hóa; chia sẻ thông tin theo yêu cầu; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Kế hoạch số 67/KH-UBND, TP cũng dự kiến tổ chức khảo sát nhu cầu cần triển khai lắp đặt camera tại tất cả các khu vực thuộc địa bàn quản lý như các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, công trình mang tính biểu tượng, biểu trưng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; các tuyến giao thông, địa điểm công cộng, giải trí; các địa điểm phục vụ dân sinh như: nhà ga, bến xe, sân bay, chợ, siêu thị, khách sạn, khu công nghiệp, ngân hàng…
Để làm được như vậy, TP sẽ cần trang bị một hệ thống “mắt thần” phủ khắp các tuyến đường, khu vực dân cư từ nội đô đến ngoại thành. Cũng như hệ thống giao thông thông minh nói chung, việc đầu tư cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân, từ khâu huy động vốn đầu tư đến công tác quản lý, vận hành. Hà Nội có thể xem xét thông qua hình thức thuê dịch vụ hoặc giao toàn bộ cho DN tư nhân đầu tư, khai thác để giảm thiểu áp lực tài chính, quản lý, duy trì, bảo dưỡng; đồng thời thuận tiện cho việc kết nối chung chia sẻ dữ liệu sau này giữa các hợp phần của đô thị thông minh.