Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung: Để Hà Nội vươn lên mạnh mẽ

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội đang ngày càng quá tải trầm trọng.

Bên cạnh nhiều nguyên nhân như tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số lớn, sự gia tăng lượng phương tiện giao thông cá nhân…, thì việc thiếu một bộ khung hạ tầng giao thông hoàn chỉnh đang là trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Giao thông khung là gì?
Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho rằng, không nên trói buộc khái niệm Hạ tầng giao thông khung (GTK) trong cách hiểu đơn thuần là đường sá. Hạ tầng GTK của Hà Nội bao gồm cả những tuyến đường vành đai, đường trục hướng tâm, liên khu vực; các đầu mối chính của giao thông tĩnh và đường sắt đô thị. “Gọi là khung vì chúng có vai trò định hình toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội” - ông Thành nhìn nhận.

Đường vành đai 3 trên cao qua địa phận quận Hoàng Mai. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Thành cũng đã có những lý giải rõ hơn về từng nhóm đối tượng được xác định trong hệ thống hạ tầng GTK. Ví dụ 7 tuyến Vành đai: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4 và 5 - được coi là những hợp phần tối quan trọng, đáp ứng nhu cầu lưu thông cả trong nội bộ lẫn quá cảnh khu vực Hà Nội. Hay 4 bến xe khách liên tỉnh đang chờ xây dựng là: Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh; 6 bãi đỗ xe ngầm (bên trong Vành đai 3) cùng một số bãi đỗ xe ngầm, nổi, cao tầng khác thuộc nhóm giao thông tĩnh, nhưng là đầu mối tiếp nhận, phân phối lượng lớn các chuyến đi bên trong và ra vào TP. Đường sắt đô thị cũng được coi là một hợp phần của GTK vì khác với xe buýt, đường sắt đô thị đi kèm cả một hệ thống hạ tầng riêng, tín hiệu riêng; khối lượng trung chuyển trên mỗi chuyến của nó lớn gấp hàng trăm lần xe buýt, là “nguồn cung” trực tiếp và chi phối tần suất hoạt động của các phương thức vận tải công cộng khác.

Tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng GTK đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Hà Nội không chỉ là một đô thị lớn, mà còn là trung tâm phát triển của Đồng bằng sông Hồng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển chung của cả nước. Do đó, TP cần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng GTK, đảm bảo kết nối nội bộ và đặc biệt là kết nối với toàn khu vực cũng như cả nước”.

Kết nối còn rời rạc

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế hệ thống hạ tầng GTK trên địa bàn Hà Nội mới chỉ đang trong giai đoạn sơ khởi, còn khá rời rạc và chưa phát huy được hết tác dụng. Trưởng phòng Thiết kế, Trung tâm tư vấn quốc tế (TEDI) Đặng Hoàng Hiệp nhận định: “Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 7 vành đai lớn, nhưng đến hiện nay mới chỉ có Vành đai 3 khả dĩ đã được khép kín, còn lại đều rời rạc và cần sớm được liên kết để đảm bảo lưu thông”. Ông Hiệp cho rằng, hiện nay, tuyến Vành đai 3 đang phải chịu áp lực giao thông cực kỳ lớn, cả từ các phương tiện quá cảnh lẫn đi - đến Hà Nội như xe khách liên tỉnh, xe tải, xe cá nhân… Trong khi đó, một số vành đai khác như: 3,5; 2,5 và 4… lại mới chỉ được đầu tư từng phần, vẫn bị cắt đứt bởi rào chắn tự nhiên là sông Hồng. “Vừa qua, Hà Nội có đề xuất xây 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống chính là để kết nối các tuyến Vành đai. Trong đó quan trọng nhất là các cầu: Mễ Sở (Vành đai 4), Thượng Cát (Vành đai 3,5)…” - ông Hiệp thông tin.

Ths. Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) đánh giá: “Hà Nội còn đang phải đối diện với một vấn đề khác, đó là sự tồn tại của các bến xe lớn trong khu vực nay đã trở thành trung tâm của TP”. Ông Quân cho rằng, các Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm hiện đều đang nằm bên trong Vành đai 3, nơi có mật độ dân cư cao, áp lực giao thông vô cùng lớn. “Cấp thiết phải di dời các bến xe này ra các khu vực ngoại vi để giảm tải cho toàn bộ khu vực dọc theo Vành đai 3” - ông Quân nhấn mạnh.

Một hợp phần khác có vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới giao thông, vận tải công cộng của Hà Nội là đường sắt đô thị thì hiện nay vẫn chưa có một tuyến nào được đưa vào khai thác. Ông Phan Trường Thành nhìn nhận: “Thiếu đường sắt đô thị thì năng lực của vận tải công cộng khó lòng đáp ứng được nhu cầu đi lại trong TP. Bên cạnh đó, việc xây dựng kết cấu hạ tầng của đường sắt đô thị cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống hạ tầng chung của toàn TP”.

Mục tiêu quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị với Bộ GTVT mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Hà Nội đã xác định việc phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng GTK là mục tiêu rất quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP”.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã khẩn trương xây dựng và ban hành “Chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GTK trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2030’’. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhận định, tại thời điểm hiện nay, nhiệm vụ cốt yếu là phải cụ thể hóa được Đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cập nhật, hệ thống hóa danh mục công trình đầu tư công trung hạn, trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020.
 Đường Vành đai 2 - Cầu Nhật Tân  là trục giao thông trọng yếu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Về giao thông đường bộ, TP đang hướng tới việc khép kín hệ thống các Vành đai: 1; 2; 2,5; 3 và 3,5; triển khai các thủ tục đầu tư, khởi công hoàn thành một số đoạn tuyến của Vành đai 4. Tập trung đầu tư các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống gồm: Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Tứ Liên, Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Giang Biên; Đuống 2… Triển khai thi công, hoàn thành cơ bản đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Ngoài ra, TP sẽ nỗ lực hoàn thành thủ tục đầu tư một số đoạn tuyến của: QL1A (phía Nam); trục Hồ Tây - Ba Vì; QL6; Tây Thăng Long; trục cầu Vĩnh Tuy - Giang Biên - Ninh Hiệp; QL3… Đối với hệ thống giao thông tĩnh, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng 4 bến xe khách liên tỉnh Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh, 6 bãi đỗ xe ngầm bên trong Vành đai 3... Cùng với đó, giai đoạn 2017 - 2021, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 2 tuyến đường sắt đô thị đang triển khai thi công là: Số 2A Cát Linh - Hà Đông và số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; khởi công tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết, nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu mà Chương trình tổng thể đã đề ra. Để vượt khó, trước tiên Hà Nội sẽ vận động bằng tất cả nội lực của mình, đồng thời tìm kiếm vốn đầu tư từ nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần được Chính phủ hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn xã hội hóa nhằm đầu tư cho hệ thống hạ tầng GTK.
Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù tại nhiều công trình giao thông

Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận cho Hà Nội áp dụng Điều 26, Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đối với Dự án đường trên cao dọc tuyến Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, kết hợp mở rộng phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng. Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng. Trước đó, các dự án: Cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Tư vấn lập quy hoạch gara ngầm tại 4 quận nội thành Hà Nội cũng đã được Chính phủ xem xét, phê duyệt cho TP được áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.
Hà Nội đã rất chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, chia sẻ khó khăn với Bộ GTVT trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và trần nợ công bị siết chặt. Bộ hoàn toàn đồng tình và đánh giá rất cao quyết tâm của Hà Nội trong việc quyết liệt triển khai các dự án giao thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ cơ bản hình thành toàn bộ mạng lưới hạ tầng GTK trong khu vực đô thị trung tâm; đến năm 2025 hoàn thành mạng lưới GTK của Thủ đô, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ đầu tư cho giai đoạn trung hạn tiếp theo 2025 - 2030.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn