Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thái San thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng thông tin cá nhân bị tiết lộ, mua bán đang diễn ra khá phổ biến hiện nay, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, trong đó tăng chế tài xử lý đối với những hành vi tự ý tiết lộ, mua bán dữ liệu cá nhân là cần thiết. Vậy cần hoàn thiện khung pháp lý như thế nào để ngăn chặn hiệu quả vấn đề này? Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội).

 Luật sư Đặng Văn Cường
Thưa luật sư, Bộ Công an đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ông đánh giá như thế nào về những nội dung của Dự thảo này?
- Có thể nói Dự thảo đã đưa ra được khái niệm thốnga nhất, cụ thể về dữ liệu cá nhân, các thành phần của dữ liệu cá nhân, xử lý dữ liệu cá nhân, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là cơ sở để cá nhân thực hiện quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình cũng như cơ quan tổ chức có liên quan thực hiện nghĩa vụ lưu trữ, cung cấp, thu thập thông tin hợp pháp, các cơ quan chức năng có căn cứ điều tra xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng vi phạm về thu thập, mua bán, trao đổi dữ liệu cá nhân của người khác. Trong thời đại phát triển công nghệ hiện nay, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là một điều vô cùng cần thiết và việc ra đời Nghị định trong thời điểm này vô cùng quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam thời kỳ mới của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu.

Một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định này là quy định hành vi tự ý tiết lộ họ tên, số điện thoại hoặc các thông tin về dữ liệu cá nhân khác có thể bị xử phạt tối đa đến 80 triệu đồng. Với việc xử phạt như vậy liệu đã đủ sức răn đe và ngăn chặn được hiệu quả việc mua bán dữ liệu cá nhân, thưa ông?

- Theo tôi, mức xử phạt như vậy là hợp lý, phù hợp. Trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội; tính chất, mức độ nguy hiểm cao; gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì đã có chế tài hình sự để xử lý.

Cùng với việc tăng mức xử phạt, theo ông, làm thế nào có thể ngăn chặn hiệu quả việc mua bán dữ liệu cá nhân, để mỗi người có thể bảo vệ thông tin cá nhân hiệu quả, không bị kẻ xấu lợi dụng?

- Cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, theo tôi, cần phải tăng cường tuyên truyền pháp luật tới người dân để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác điều tra, xử lý mạnh với đối tượng có hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung.
Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân ngoài trách nhiệm của cơ quan đang lưu giữ, quản lý dữ liệu thì còn thuộc về trách nhiệm tự bảo vệ của chính cá nhân có thông tin. Khi cung cấp, tiết lộ thông tin cho người khác, mỗi người phải xác định việc đó có cần thiết không, nhằm mục đích gì và cá nhân, tổ chức nhận được dữ liệu đó có đảm bảo uy tín trong việc quản lý, bảo vệ dữ liệu của mình hay không. Mỗi người nên hạn chế công khai các thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội, mạng internet. Khi sử dụng các tài khoản trên mạng internet nên đảm bảo tài khoản đó có độ bảo mật cao. Khi tham gia mạng xã hội hoặc truy cập mạng internet, người dân cũng nên cảnh giác với các đường link, trang web lạ, tránh truy cập vào vì rất có thể đó là những mã độc mà kẻ xấu dùng để đánh cấp dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, phải tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh, khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn, email lạ, không nên vội vàng trả lời; và nếu trả lời, cũng không nên cung cấp thêm các thông tin khác nếu chưa xác định được chính xác đối tượng đề nghị cung cấp thông tin đó là ai, có mục đích gì.

Xin cảm ơn ông!