Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện quy định về quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 14/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trình bày một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật.

Về cơ bản, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 09 chương với 101 điều, giảm 01 điều so với Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về sở hữu di sản văn hóa, Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng. Việc xác định, đăng ký và giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về dân sự, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Liên quan tới chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động; biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; các điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực tài chính, xã hội hóa và các điều kiện khác; nguồn nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chế độ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật quy định việc triển khai xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích và sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có tại khu vực bảo vệ I và phải bảo đảm nguyên trạng về mặt bằng và không gian.

 

Đối với quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể theo hướng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân không được chuyển quyền sở hữu, kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho; di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước; bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước. Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích không thuộc quy định tại điểm trên thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất cho rằng, trường hợp nhà ở riêng lẻ đã có sẵn trong khu vực bảo vệ di tích nhưng không thuộc yếu tố gốc và cấu thành cảnh quan văn hóa của di tích, việc xin ý kiến của cơ quan chuyên môn văn hóa cấp tỉnh là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân trong khu vực có di sản.

Về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp, dự thảo quy định cụ thể theo hướng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, không được chuyển quyền sở hữu, kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho; di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước; bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước. Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần có chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai. Theo đó, cần giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hóa trong tương lai, như: tác phẩm điện ảnh, bộ phim nhựa sản xuất trong chiến tranh, di vật của lãnh tụ, dòng họ để giữ gìn các tiềm năng này. Do đó, cần nghiên cứu phát hiện, xem xét bảo vệ và phát huy giá trị. Nếu không phát hiện sớm thì sau này theo thời gian mất đi, khôi phục rất khó.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ băn khoăn về quy định xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế - xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.

Do đó, cân nhắc vấn đề này vì các công trình phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đệm, khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo thêm thủ tục hành chính. Vậy có cần thiết không, vì các công trình trên nằm ở trên bờ, cách xa khu vực vịnh.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị trong trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích, phải bảo đảm giữ nguyên giá trị kiến trúc và thẩm mỹ của di tích, tăng khả năng chống đỡ trước sự tác động của môi trường.