Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền- nội dung quan trọng trong Luật Thủ đô

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) – đó là quy định về tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội nhằm hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Một trong sốnhững nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện định hướng xây dựng Thủ đô là hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới; phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn của Thủ đô; tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Về số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% (khoản 2 Điều 9). Đây là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND
Về số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% (khoản 2 Điều 9). Đây là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND

Về cơ bản, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1, Điều 9 Dự thảo) là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho Thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong Dự thảo.

Việc phân quyền cho HĐND Thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại và giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND Thành phố, quận, huyện, thị xã sẽ tạo ra được sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện đặt ra để đảm bảo sự cần thiết,thận trọng và chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Có cơ chế để Hà Nội được chủ động quyết định biên chế

Việc có cơ chế để Thành phố được chủ động quyết định biên chế, bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng là cần thiết. Theo quy định hiện nay, việc quản lý biên chế hành chính do Chính phủ quyết định; biên chế sự nghiệp do chính quyền địa phương quyết định sau khi trình xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Việc xác định số lượng biên chế căn cứ trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc giao biên chế chưa thực sự hợp lý vì chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết về biên chế của Thành phố.

Theo số liệu mà Tờ trình số 512, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cung cấp, thì so với tổng biên chế được giao năm 2015, tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 đã giảm 15,65%; biên chế viên chức (hưởng lương ngân sách nhà nước) được giao năm 2021  giảm 10% so với năm 2015. Biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà còn có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với công chức, viên chức Thành phố rất lớn, đặc biệt đối với công chức.

Nếu tính theo số dân/biên chế công chức  thì hiện nay ở Hà Nội là: 1.016 người dân/1 công chức (trong khi trung bình tại 63 tỉnh, thành phố hiện nay (tính đến tháng 6/2021) là 686 người dân/1 công chức. Chính vì vậy, quy định việc phân quyền cho Thành phố được chủ động trong việc quyết định số biên chế tăng thêm sẽ tạo được cơ sở pháp lý cần thiết giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.

Tuy nhiên, nếu quy định như tại Dự thảo là “giao cho HĐND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” là chưa rõ ràng, chưa rõ cơ quan nào có thẩm quyền quyết định, chưa rõ biên chế dự phòng lấy từ nguồn nào.

Một góc Hà Nội
Một góc Hà Nội

Vì vậy, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Thành phố.Quy định như vậy sẽ giúp Thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ tùy vào nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Tăng số lượng đại biểu HĐND TP để nâng cao chất lượng giám sát

Về số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% (khoản 2 Điều 9). Đây là một giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Ngoài 38 nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nếu được phân quyền mạnh mẽ như trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), số lượng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố Hà Nội dự kiến tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn. Nếu xét về tỷ lệ, hiện nay tỷ lệ đại biểu HDND Thành phố trên dân số Thủ đô đang ở mức gần 90.000 người dân/1 đại biểu, trong khi bình quân chung của cả nước vào khoảng 26.500 người dân/1 đại biểu.

Mặt khác, với việc không tổ chức HĐND phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của Thành phố đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của Thành phổ phát triển thành quận. Do đó, yêu cầu đặt ra là tổ chức, cơ cấu bộ máy của HĐND Thành phố, nhất là đội ngũ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cũng phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND từ 2 lên 3 Phó Chủ tịch (khoản 3 Điều 9), mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng hoàn toàn phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nhân lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; bảo đảm sự tương đồng trong hệ thống chính trị và bộ máy thực thi nhiệm vụ của chính quyền Thủ đô hiện nay. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc  của HĐND Thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này.

Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có quy định về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô, đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo Luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Luật.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố
Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố

Về số lượng biên chế, theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.

Do đó, nếu chỉ quy định như dự thảo Luật hiện tại là “giao cho HĐND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” thì chưa rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Tạ Thị Yên, đồng tình với dự thảo Luật quy định tăng từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%, đây được coi là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc tăng từ 2 lên 3 Phó Chủ tịch HĐND Thành phố và  mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng khá phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND Thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế này phù hợp với sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Do đó, các hình thức, phương pháp, công cụ đại diện cũng nên cân nhắc thêm theo hướng số hóa và tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô để bộ máy được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) tán thành đề xuất giao cho HĐND Thành phố Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát 
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) tán thành đề xuất giao cho HĐND Thành phố Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát 

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) tán thành mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước.

“Về quy định thẩm quyền quyết định biên chế của HĐND Thành phố Hà Nội, theo tinh thần và chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô. Tôi cũng tán thành ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là giao cho HĐND Thành phố Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan trung ương trong quá trình thực hiện” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.