Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, "cashback" (tiêu dùng hoàn tiền, mua sắm hoàn tiền) là việc người tiêu dùng, người mua được hoàn lại một phần tiền khi họ mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử hoặc qua ứng dụng mua hàng. Hình thức khuyến mại này được bắt nguồn từ Mỹ, sang Anh và ngày nay đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
|
Cashback phổ biến với hình thức mua hàng trực tuyến. Ảnh: Internet. |
Theo một báo cáo của Douglas G Hall, doanh thu toàn thị trường của mô hình kinh tế cashback toàn cầu từ 84 tỷ USD năm 2015 sẽ có thể tăng lên đạt 108 tỷ USD vào năm 2020. Số lượng các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thương mại này cũng sẽ tăng vọt tương ứng từ 235 công ty lên thành 450 công ty.
Hiện hình thức mua sắm hoàn tiền được áp dụng phổ biến cho mua hàng trực tuyến và là một trong những chiến thuật của tiếp thị liên kết (affiliate marketing), với lợi ích rõ nét cho tất cả các bên: nhà cung cấp, kênh trung gian và người tiêu dùng cuối cùng. Trong đó, nhà bán lẻ và người tiêu dùng dường như được hưởng lợi nhiều hơn cả. Nhiều nhà bán lẻ trực tuyến khẳng định, có khoảng 12 – 20% doanh số của họ đến từ các chương trình tiếp thị liên kết.
Với người tiêu dùng, họ sẽ được gia tăng lợi ích khi vừa có nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ lại vừa được hoàn thêm một khoản tiền từ hệ thống. Số tiền được hoàn tương ứng với % giá trị sản phẩm mà khách hàng đã mua sắm. Có thể nói, khách hàng gần như mua được sản phẩm với giá gốc, giá sỉ hoặc không mất tiền.
Hoàn tiền và thị trường tài chính ngân hàngTại Việt Nam, xu hướng thanh toán cashback đã dần trở nên phổ biến, nhất là khi có sự xuất hiện hình thức mua sắm thông qua ví điện tử: MoMo, Moca, ZaloPay… Với việc thanh toán hóa đơn qua ví điện tử, khách hàng có thể được hoàn tiền từ 10% - 20%, kể cả khi mua data, thẻ điện thoại, thẻ game, đặt chỗ nhà hàng, đặt vé máy bay, vé xem phim… Và các ví điện tử này đều liên kết với ngân hàng, tạo ra quy trình thanh toán khép kín, tiện lợi, an toàn.
Thông thường, hoàn tiền hay được nhắc tới cùng với thẻ tín dụng, thậm chí có những chiếc thẻ tín dụng cashback được thiết kế dành riêng cho những tín đồ mua sắm yêu thích hình thức khuyến mại này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có thể thấy hoàn tiền đã được mở rộng thêm trên thị trường tài chính, khi một số ngân hàng áp dụng hình thức khuyến mại hấp dẫn này đối với cả các dịch vụ thanh toán trên kênh ngân hàng số chứ không chỉ với những chi tiêu qua thẻ tín dụng.
|
Hoàn tiền tới 10% giá trị giao dịch khi thanh toán qua kênh ngân hàng số. |
Chương trình “Giao dịch cực nhanh, hoàn tiền cực đã” của PVcomBank áp dụng ưu đãi hoàn tiền cho các chi tiêu online rất đa dạng, từ nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, thanh toán trực tuyến mua hàng, chuyển tiền liên ngân hàng, thanh toán hóa đơn tự động. Trong hơn 1 tháng triển khai chương trình, ngân hàng này cũng ước tính sẽ hoàn cho khách hàng gần 100 triệu đồng.
Có thể nói, cùng với sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ, người tiêu dùng ngày nay còn được lựa chọn những hình thức khuyến mại hết sức phong phú từ các nhà bán lẻ, công ty phân phối lẫn các trung gian. Khi chuỗi cung ứng có sự kết nối chặt chẽ với nhau, có sự tham gia của các trung gian phân phối và trung gian tài chính, mô hình Win – Win được mở rộng không chỉ giữa người mua và người bán đơn thuần, chi phí sẽ được tiết giản, và lợi ích từ đó được nhân thêm cho tất cả các bên. Hãy là một người tiêu dùng thông minh, tận dụng thật tốt những công cụ của thời đại, để khám phá những trải nghiệm mới, cho cuộc sống được tận hưởng nhiều hơn.