Hoàng Mai quyết tâm hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến đường Vành đai 2,5

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A đi qua hai phường Định Công và Thịnh Liệt của quận Hoàng Mai đến nay đã giải phóng mặt bằng (GPMB) trên 90%.

Với quyết tâm hoàn thành GPMB tuyến đường trong năm 2021, quận Hoàng Mai đã tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với 19 hộ dân cuối cùng nằm trong phạm vi dự án trên địa bàn phường Thịnh Liệt bàn giao mặt bằng.

Kiến nghị gỡ vướng cho Nhân dân
Dự án đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ (QL) 1A qua quận Hoàng Mai có diện tích đất thu phải hồi hơn 58.000m2, trong đó tại phường Định Công hơn 51.000m2, phường Thịnh Liệt hơn 7.000m2.
Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt Nguyễn Văn Đức cho biết, diện tích đất thu hồi trên địa bàn phường liên quan đến 177 hộ gia đình, 2 tổ chức và 1 thửa đất công. UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt đầy đủ 180 phương án đền bù, hỗ trợ GPMB cho người dân, cơ quan, tổ chức.
Với phương án được duyệt đã có 155 hộ gia đình và 1 thửa đất công nhận tiền và bàn giao mặt bằng; 2 tổ chức là Công ty tín hiệu đường sắt và Công ty CP Công trình Hà Nội đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Vướng mắc lớn nhất là còn 22 hộ dân chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án, trong đó đặc biệt có 19 hộ (1 hộ có đất và 18 hộ có tài sản trên đất) đã không chấp hành quyết định thu hồi đất và không bàn giao mặt bằng.
 Khu vực 19 hộ dân phường Thịnh Liệt nằm trong phạm vi GPMB tuyến đường Vành đai 2,5.
Được biết, khu vực liên quan đến 19 hộ dân nói trên có diện tích thu hồi là 776,5m2 nằm tại ngõ 115, phố Định Công (Tổ dân phố số 1, phường Thịnh Liệt) đã được UBND quận Hoàng Mai phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB theo đúng các quy định hiện hành. Thời gian qua, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hoàng Mai Hà Nội phối hợp với UBND phường Thịnh Liệt tổ chức nhiều lần chi trả nhưng các hộ dân vẫn không nhận tiền và bàn giao mặt bằng. 
Ông Nguyễn Văn Đức cho hay, quá trình thực hiện các bước GPMB luôn được chủ đầu tư phối hợp cùng chính quyền địa phương, công khai đến từng hộ dân. Khi có khiếu nại, thắc mắc, UBND TP Hà Nội cũng như phòng ban chuyên môn của quận có văn bản trả lời cụ thể. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng quận Hoàng Mai, UBND phường Thịnh Liệt cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, giải thích cho người dân hiểu và thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên các hộ dân cho rằng mức đền bù trên thực tế là chưa thỏa đáng và có kiến nghị xem xét lại.
“Chúng tôi cũng rất chia sẻ đối với những trường hợp hộ dân nằm trong diện GPMB, có gia đình hơn 200m2 đất nhưng do là nguồn gốc đất nông nghiệp nên chỉ đủ điều kiện được đền bù gần 60 triệu đồng. Trên cơ sở kiến nghị của các hộ dân, ngày 21/6/2021, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản đề nghị UBND TP xem xét tháo gỡ chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, đồng thời đề nghị cho phép áp dụng xét tái định cư đối với các trường hợp trên” - ông Nguyễn Văn Đức thông tin.
Hiệu quả của tuyên truyền vận động
Theo Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Minh Tú, để đảm bảo tiến độ triển khai công tác GPMB dự án, quận Hoàng Mai đã báo cáo Thành ủy, UBND TP và các ngành chức năng tháo gỡ mọi kiến nghị chính đáng trên cơ sở đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các hộ dân. Bên cạnh đó, UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thịnh Liệt cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để sẵn sàng thực hiện cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 29/6 nếu 19 hộ dân nói trên cố tình chây ỳ.
 Cán bộ quận Hoàng Mai tuyên truyền, vận động các hộ dân phường Thịnh Liệt bàn giao mặt bằng cho dự án.
Với tinh thần không để phát sinh thành điểm “nóng”, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo tiến độ của dự án, lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đã tích cực xuống thực tế hiện trường, kiên trì vận động người dân bàn giao mặt bằng trước ngày cưỡng chế. Kết quả, đến ngày 26/6 toàn bộ 19 hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Đại diện 19 hộ dân trong khu vực cưỡng chế, ông Phạm Quốc An (Tổ dân phố số 1, phường Thịnh Liệt) chia sẻ, chúng tôi đều ủng hộ tuyến đường Vành đai 2,5 sớm hoàn thành để bộ mặt đô thị của phường, quận được nâng lên, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...
Tuy nhiên, điều mong mỏi nhất của các hộ dân là TP Hà Nội sớm giải quyết đền bù theo phương án mà quận Hoàng Mai đã đề xuất. Sau khi được quận tuyên truyền giải thích, chúng tôi xác định để phải cưỡng chế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cả chính quyền và người dân nên quyết định nhận tiền hỗ trợ tạm cư từ. Nếu TP đồng ý phê duyệt và sớm công bố phương án đền bù đến người dân thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi đã bàn giao mặt bằng cho dự án. 
Ông Vũ Minh Tú cũng cho hay, tuyến đường 2,5 có vị trí quan trọng về hạ tầng giao thông khung, nối liền phía đông đến phía tây của quận. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ giảm tải áp lực giao thông, đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Với việc chỉ đạo sát sao của UBND TP cùng sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn của các sở, ngành, sự tích cực, kiên trì công tác tuyên truyền, vận động của quận Hoàng Mai, nhất là tinh thần hợp tác của 19 hộ dân, công tác GPMB tuyến đường 2,5 qua địa bàn phường Thịnh Liệt đến nay đã hoàn thành. Qua đây khẳng định quyết tâm của quận Hoàng Mai sẽ sớm hoàn thành GPMB toàn bộ tuyến đường trong năm 2021.

"Công tác GPMB dự án tuyến đường 2,5 thời gian qua quận Hoàng Mai đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng chính sách do ảnh hưởng từ việc thay đổi từ Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai 2013. Ngoài ra, quá trình xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của người dân cũng gặp nhiều vướng mắc do các hộ tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ...
Bên cạnh đó, người dân phản đối rất quyết liệt, gửi đơn kiến nghị, khiếu nại về quy hoạch, chỉ giới, mốc giới, hồ sơ pháp lý của dự án và chính sách GPMB đi nhiều cấp, khiến quá trình giải quyết, trả lời đơn thư phức tạp, kéo dài" - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Minh Tú.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần