[Hoạt động cầm đồ - Khai tử hay đổi mới luật để kiểm soát] Bài 2: Tại sao dịch vụ cầm đồ dễ biến tướng tiêu cực?

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy luật cuộc sống “có cầu ắt có cung”, việc ra đời các tiệm cầm đồ do người dân có nhu cầu tiền giải quyết cuộc sống không thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính thức từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Nói một cách tổng thể, thị trường tín dụng chính thức đang thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay quy mô nhỏ nhưng đòi hỏi giải ngân tức thì.

Người đến với tín dụng cầm đồ có thể phân ra 3 nhóm chủ yếu. Ảnh minh họa: nguồn internet
Cầm đồ chịu lãi suất “cắt cổ”
Thời gian qua NHNN đang có động thái khá tích cực, yêu cầu các TCTD mở rộng cho vay sản xuất, tiêu dùng nhằm ngăn chặn hoạt động tín dụng đen. Tuy vậy, hoạt động tín dụng đen không những không giảm mà ngày càng phức tạp, tinh vi hơn dựa vào mạng internet. Trong đó hầu như 100% tiệm cầm đồ hoặc ít hoặc nhiều có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen. Vậy đâu là nguyên nhân hoạt động cầm đồ ngày càng biến tướng tiêu cực?
Người đến với tín dụng cầm đồ thực tế đa dạng nhưng có thể phân ra 3 nhóm chủ yếu. Nhóm thứ nhất cần tiền để trang trải nhu cầu cá nhân về cờ bạc, cá cược, lô đề,… đương nhiên không thể đáp ứng tiêu chí “mục đích vay vốn” của TCTD. Những người nhóm này do máu “đỏ đen” nên họ bất chấp mức lãi suất cắt cổ của tiệm cầm đồ. Nhóm thứ hai cần tiền để chi trả tức thì cho nhu cầu cuộc sống. Đây là nhu cầu tiền “nóng” với quy trình cho vay hiện tại các TCTD không thể đáp ứng. Bắt chẹt người đến cầm đồ, các chủ tiệm cầm đồ mặc sức áp lãi suất cầm đồ cắt cổ do người đến cầm đồ không có lựa chọn nào khác.
Nhóm thứ ba là cá nhân kinh doanh nhỏ, thậm chí chủ DN nhỏ cần tiền cho công việc kinh doanh nhưng thu nhập không ổn định, khó chứng minh nguồn thu nhập trả nợ nên cũng không thể vay vốn TCTD. Thông thường những người nhóm này ít khi vay “nóng” mà vay “nguội” 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng nên lãi suất cầm đồ có dịu hơn nhưng cao hơn lãi suất tín dụng chính thức rất nhiều.
Theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, tài sản cầm cố phải là tài sản hợp pháp của người vay tiền, nếu tài sản của bên thứ ba phải có giấy ủy quyền, không được nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc và bất hợp pháp, mặt khác giao kèo cầm đồ phải lập hợp đồng cầm đồ/cầm cố. Nhưng trên thực tế, tài sản có hợp pháp hay không hợp pháp chỉ chủ tiệm cầm đồ và người cầm đồ vay tiền biết với nhau không có chế tài nào để kiểm soát được. Cho nên tiệm cầm đồ rất dễ biến thành địa điểm tiêu thụ tài sản trộm cắp, bất hợp pháp. Việc này chủ tiệm cầm đồ đã gián tiếp tiếp tay cho hành vi phạm pháp.
Bên cạnh đó, luật pháp không quy định giới hạn chủng loại tài sản được dùng cầm đồ, nên bất kể tài sản gì có thể cầm là chủ tiệm sẵn sàng cầm miễn là dễ thu lợi. Đến cả cuốn sổ bảo hiểm xã hội đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động theo quy định của Nhà nước, cũng được nhận cầm đồ thì hành vi trục lợi của chủ cầm đồ đã quá giới hạn báo động đỏ.
Dịch vụ cầm đồ đã né được Luật TCTD do Luật phủ định Luật như nói trên, đương nhiên nó đang là ngành, nghề kinh doanh hợp pháp về danh nghĩa. Nhưng câu hỏi đặt ra các tiệm cầm đồ được quyền huy động vốn như thế nào và cho vay ra sao lại không bị điều chỉnh bởi Luật TCTD hoặc bất kỳ luật nào khác.
Anh H chủ tiệm cầm đồ tại đường Tôn Đản, quận 4, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ban đầu dùng tiền của gia đình để cho vay nhưng khi tiệm phát triển dữ thì nguồn tiền chủ yếu vay ngân hàng, dùng ngay tài sản người cầm ủy quyền để cầm hoặc thế chấp”. Mục đích cho vay vốn của ngân hàng đã bị đánh tráo rất dễ dàng như vậy? Thực tế không dừng tại đó, thị trường tín dụng đen qua các app (ứng dụng mạng) - mảnh đất béo bở chưa thể kiểm soát đang là nơi nhiều tiệm cầm đồ lôi kéo các dòng vốn vào đây một cách bất chấp, không loại trừ rửa tiền. Theo NHNN, nhiều công ty cho vay ngang hàng (P2P- Lending) thực chất chỉ là tiệm cầm đồ, đối tác “bơm tiền” vay qua app.
Dịch vụ cầm đồ có lợi bất cập hại?
DN và người dân được phép kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ mà pháp luật không cấm. Đương nhiên đó là sản phẩm, dịch vụ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống mang lại lợi ích cho xã hội và người dân. Cùng với đó, đưa lại hiệu quả nhất định cho nền kinh tế - xã hội trên nguyên tắc bảo vệ an ninh -quốc phòng, tài nguyên - môi trường, an toàn trật tự xã hội. Hiệu quả được tập trung trên 2 tiêu chí là đóng góp cho ngân sách Nhà nước/GDP và thu hút lao động xã hội.
Theo UBND TP Đà Nẵng, trong năm 2018 tổng thu ngân sách Nhà nước đối với 268 cơ sở được phép kinh doanh cầm đồ chưa đến 1,5 tỷ đồng. Bình quân chưa chưa đến 5,6 triệu đồng/cơ sở, đây là con số quá nhỏ không hiểu có đủ bù đắp chi phí của cơ quan chuyên quản thuế, công an?
Cũng theo UBND TP Đà Nẵng trong 268 cơ sở kinh doanh cầm đồ nói trên có đến 99% cơ sở là hộ kinh doanh cá thể. Thực tế không chỉ Đà Nẵng mà trên toàn quốc, tỷ lệ cơ sở cầm đồ áp đảo là hộ kinh doanh cá thể. Với cơ chế khoán thuế hiện hành, các tiệm cầm đồ tự đăng ký, khai báo nộp thuế, nên thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động cầm đồ đang thất thu lớn là điều dễ hiểu. Người ta không thể tự giác nộp thuế khi kẻ hở trốn thuế chưa được chặn. “Thuế không đóng nhiều do tự khai báo trốn được nhưng phải đóng khá nhiều ngoài luật lệ” - đó là tiết lộ của một chủ tiệm cầm đồ xin được dấu tên và địa chỉ. Doanh thu nhiều nhưng khai báo ít để trốn thuế của hộ kinh doanh cá thể là câu chuyện phổ biến mọi lĩnh vực chứ không chỉ cầm đồ.
Theo Luật Dân sự năm 2015, các bên cầm đồ được tự thỏa thuận mức lãi suất nhưng tối đa không vượt quá 20%/năm. Nhưng trên thực tế 100% chủ tiệm cầm đồ bắt chẹt khách hàng tự ý nâng mức lãi suất lên rất cao và đều không thể hiện trên hợp đồng cầm đồ, gây thiệt hại lớn cho khách hàng cầm đồ. Một cách tổng thể về lợi ích, dịch vụ cầm đồ chỉ có lợi lớn cho chủ cầm đồ mà không có lợi cho Nhà nước và người dân. Cùng với đó, sự biến tướng của cho vay cầm đồ thành cho vay nặng lãi và tín dụng đen qua các app đang là nguy cơ không chỉ cho an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn là an ninh tiền tệ quốc gia.
(Còn tiếp)