Hoạt động của thư viện: Không thể thụ động chờ chính sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc bàn tròn “Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện phục vụ phát triển kinh...

Kinhtedothi - Tại cuộc bàn tròn “Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” do Bộ VHTT&DL tổ chức sáng 1/12, chính những người làm thư viện đã chỉ ra, hoạt động này không thể thụ động chờ cơ chế, mà phải có “chiêu” thu hút độc giả để sách không bị tồn kho.

Không thể phủ nhận ngành thư viện những năm gần đây đã có nhiều thay đổi về cả lượng và chất: Trụ sở được xây dựng khang trang hơn, cơ sở vật chất hiện đại hơn, vốn tài liệu ngày càng phong phú, công nghệ thông tin đã được áp dụng và phát triển mạnh mẽ… Tuy nhiên, dù mạng lưới thư viện đã rộng khắp, nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả vì hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Đáng buồn nhất là hầu hết thư viện vẫn còn tình trạng sách bị… “đắp chiếu”.
Bà Đinh Thị Thi đọc báo tại cầu thang văn hóa A3 Bắc Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. 	Ảnh:  Hải Linh
Bà Đinh Thị Thi đọc báo tại cầu thang văn hóa A3 Bắc Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Hải Linh
Để thư viện thực sự là "điểm đến", bà Nguyễn Thị Hoa - Thư viện tỉnh Đồng Tháp cho rằng, ngoài môi trường đọc thân thiện, không gian sạch đẹp thì thư viện cần đổi mới phương thức hoạt động để “hút” khách. Năm 2011, trước tình hình sách tồn kho tăng, đơn vị đã xây dựng thương hiệu “Thư viện tỉnh” với các mô hình mới. Trong đó, mô hình “Con đường sách - Nét đẹp văn hóa đọc” thu hút 6.000 lượt khách ngay năm đầu ra mắt (năm 2011). Sau 3 năm, lượng khách đã tăng lên 20.000 lượt. Các mô hình: “Thư viện lưu động phục vụ thanh thiếu nhi”, “Hè vui đọc sách” và các câu lạc bộ bạn đọc không chỉ thúc đẩy thiếu nhi thường xuyên đến với thư viện mà còn giúp các em rèn luyện được năng khiếu, phát huy óc sáng tạo. Đặc biệt, mô hình “Đọc sách cho con nghe” đã thu hút và tập hợp được đông đảo phụ huynh, thiếu nhi. Đây cũng là hoạt động tạo tiền đề để Thư viện tổ chức Cuộc thi “Gia đình đọc sách” thường niên. “Sau gần 5 năm đổi mới cách làm, hiện Thư viện tỉnh Đồng Tháp hoạt động hết công năng” - bà Hoa cho biết.

Cùng quan điểm với bà Hoa, bà Hà Kim Dung - Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Không thể "ấn" cho trẻ cuốn sách, bảo trẻ hãy đọc đi". Thế nên, những năm qua, Thư viện đã tổ chức nhiều cuộc thi như: “Hội thi vẽ tranh theo sách”, “Hội thi viết cảm nhận về cuốn sách”, “Quyển sách tôi yêu”… để vừa khuyến khích văn hóa đọc, vừa phát triển khả năng tư duy của trẻ. Đặc biệt, Thư viện còn tìm nguồn xã hội hóa để lập “Tủ sách quý bà”, tập hợp những cuốn sách cũ, quý, độc đáo được nhiều người ủng hộ. Nhờ vậy, lúc nào nơi đây cũng dập dìu độc giả.

Nhiều người trong giới than thở, hoạt động thư viện đang gặp khó do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này chưa được hoàn thiện cả về thể loại văn bản cũng như nội dung các quy định. Thế nhưng, thực tế cho thấy, những thư viện chủ động thay đổi phương pháp quản lý điều hành, có cách làm sáng tạo để tận dụng những điều kiện sẵn có vẫn… “sống khỏe”.