Hoạt động đấu giá tài sản: “Cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra tinh vi

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tư pháp thừa nhận, trong hoạt động đấu giá tài sản còn có tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp…

Xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh

Theo Bộ Tư pháp, trong 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, số cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn…

Tuy nhiên, hiện nay, mỗi loại tài sản lại chịu sự điều chỉnh của một hệ thống pháp luật chuyên ngành (đất đai, tần số, khoáng sản...). Một số quy định của pháp luật chuyên ngành còn chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, chế tài xử lý người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán... Việc đấu giá một số tài sản đặc thù vẫn còn gặp khó khăn nhất định như đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tần số...

Qua quá trình triển khai thi hành, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ hạn chế do chưa chặt chẽ, rõ ràng, gây lúng túng trong quá trình thực hiện như các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản: Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền đặt trước, đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, đấu giá bằng hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp... Một số tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quy định về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản… không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa đầy đủ, cần bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng và phát triển số lượng đội ngũ đấu giá viên, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phân định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, người có tài sản...

Sau hơn 5 năm triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, các tổ chức đấu giá tài sản đã tăng lên đáng kể về số lượng. Tuy nhiên, sự phân bố các tổ chức bán đấu giá tài sản không đều mà chủ yếu tập trung tại các thành phố và các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Một bộ phận doanh nghiệp đấu giá tài sản hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, manh mún, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ quản lý còn bất cập…

Thực tế hoạt động đã xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản. Một số tổ chức đấu giá không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục bán đấu giá, trích lại phần trăm phí cho cơ quan, đơn vị có tài sản bán đấu giá để thu hút sử dụng dịch vụ của tổ chức mình. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá.

Tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (trong đó đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%)
Tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (trong đó đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%)

Ngoài ra, một bộ phận đấu giá viên còn chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên, theo Bộ Tư pháp, việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; một số cơ quan, tổ chức, địa phương có trách nhiệm quản lý tài sản chưa quan tâm, chưa nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình xử lý tài sản, nhất là đối với tài sản công.

Bên cạnh đó, tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (trong đó đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%) nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình của một số nước phát triển, do đó, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi trong khi đó tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chiếm tỷ lệ rất thấp so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc.

Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản tại nhiều địa phương còn hạn chế về nguồn lực phục vụ cho công tác quản lý. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước còn mỏng và không ổn định; công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, lúng túng, thiếu giải pháp đồng bộ. Công tác nhân sự thường xuyên có thay đổi dẫn đến thiếu công chức có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm trong quản lý hoạt động đấu giá tài sản.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đấu giá trực tuyến trong hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế nên phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia đấu giá. Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).

Ngoài ra, một bộ phận đấu giá viên còn chưa chủ động, tích cực tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề cũng như việc trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; nhận thức về nghề còn chưa đúng; chưa có ý thức trong việc xây dựng và bảo vệ uy tín, hình ảnh của nghề, thậm chí có đấu giá viên tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng nghề đấu giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, pháp luật về đấu giá đã bộc lộ một số bất cập, một số quy định không phù hợp thực tiễn, một số quy định thiếu thống nhất. Ví dụ như quy định về thanh toán tiền đấu giá quyền sử dụng đất còn vênh nhau, Bộ Tài chính quy định nếu chậm thanh toán thì trả lãi, nhưng Bộ TN&MT quy định nếu chậm thanh toán thì hủy...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng đề nghị các Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường về quản lý nhà nước, trong đó tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức có tài sản bán đấu giá tăng cường trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hậu quả, không để thất thoát tài sản của nhà nước. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tiếp tục vận hành cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá trên địa bàn, đấu tranh phòng chống hiệu quả hiện tượng “đầu gấu”, “bảo kê”,“quân xanh, quân đỏ” trên địa bàn…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần