Nỗ lực triển khai
Năm 2019, với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Trung tâm startup sáng tạo của cả nước, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 5/2019/NQ-HĐND; UBND TP ban hành Quyết định số 4889/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ startup sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù. Cùng với đó, TP đã áp dụng nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí cho DN khi đi làm các thủ tục. Đến hết năm 2019, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 đã đạt 100%. Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, BHXH, đất đai, vốn, điện năng đều được chú trọng để giảm thời gian và chi phí cho DN.
Năm 2018, số lượng các tổ chức hỗ trợ startup (các cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh) của cả nước là khoảng 50 tổ chức, tăng gần 50% so với năm 2017. Đến năm 2019, con số đã lên tới 61 đơn vị thuộc các cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp, các trường đại học; các tổ chức tư nhân hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập. |
Ngoài ra, năm 2019, TP rất chú trọng đến hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, cụ thể như: Bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh; Đào tạo kiến thức khởi sự và quản trị; Đào tạo Giám đốc điều hành DN; Chương trình trợ giúp pháp lý cho DNNVV. Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đề tài KHCN vào sản xuất kinh doanh. Hình thành một số vườn ươm DN trong các lĩnh vực thực phẩm, CNTT, cơ khí chế tạo... Đồng thời, UBND TP đã giao cho Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (Sở KH&ĐT Hà Nội) xây dựng và nâng cấp website trở thành Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ: Http://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn.
Với các hoạt động hỗ trợ mạnh mẽ của TP và các sở, ngành, Hà Nội đang có một hệ sinh thái startup sáng tạo năng động, tích cực nhất nhì cả nước. Những startup nổi tiếng của Việt Nam như Vinagame, Topica, Abivin đều hình thành và phát triển từ Hà Nội. TP cũng là trung tâm để triển khai các sự kiện, chương trình quốc gia như Đề án 844 của Bộ KH&CN, Đề án 1665 của Bộ GD&ĐT... Qua đó, TP đã khẳng định vị trí với số DN thành lập mới liên tục tăng trong các năm gần đây. Trong 4 năm, từ 2016 - 2019 có 100.850 DN thành lập mới, số lượng DN thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%. Hà Nội hiện có khoảng hơn 280.304 DN đăng ký hoạt động, bình quân 35 người dân Thủ đô có một DN được đăng ký thành lập, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước. Năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký đạt 8,05 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm hội nhập. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI tăng liên tiếp, năm 2018 xếp thứ 9/63, lần đầu tiên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất.
Tiếp tục đồng hành cùng DN
Năm 2020, với tinh thần tiếp tục đồng hành cùng DN, TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, hoàn thành các mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN, TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV; Nghị quyết số 35, Nghị quyết 02 nhằm hỗ trợ DN, startup; Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT vào tất cả các khâu quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới công dân, DN theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch; Thứ ba, thúc đẩy startup và startup sáng tạo, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ startup và startup sáng tạo được ban hành tại Đề án Hỗ trợ startup trên địa bàn TP đến năm 2020 và Đề án Hỗ trợ startup sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025.
Thứ tư, xây dựng TP thông minh trên cả ba trụ cột là công nghệ, quản trị, và cư dân. Rà soát quy trình, tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử” để chủ động giảm thời gian và chi phí cho DN trong khởi sự kinh doanh. Thứ năm, thúc đẩy mạnh mẽ startup và startup sáng tạo, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV. Thứ sáu, khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021 - 2025; Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các DN tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hoạt động và phát triển, ứng dụng KHCN cao vào sản xuất kinh doanh. Khuyến khích các DN tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển CNHT; Thứ bảy, tập trung hỗ trợ DNNVV trong các ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, tham gia mạng lưới liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm định hướng xuất khẩu và phát triển CNHT và chuỗi giá trị toàn cầu; Thứ tám, phấn đấu hình thành Trung tâm hỗ trợ startup sáng tạo Hà Nội, đóng vai trò là trung tâm kết nối và hội tụ các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động startup sáng tạo của Thủ đô.