Nhân lực có, nhưng chuyển giao KHCN thấp
Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng số sản phẩm KHCN của khối các trường ĐH chiếm hơn 2/3 trong cả nước. Nhóm các cơ sở giáo dục ĐH có dòng sản phẩm vượt trội nằm trong khối kỹ thuật công nghệ bao gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng. ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hưng Yên, ĐH Tây Bắc, ĐH Xây dựng… có số lượng sản phẩm ở mức trung bình.
Kết quả khảo sát hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2011 – 2016 do PGS.TS Vũ Văn Tích – Trưởng nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện cũng cho thấy, 9 trường ĐH khối kỹ thuật công nghệ có 1.729 hợp đồng chuyển giao được ký kết và thực hiện. Điểm mạnh của hoạt động KHCN ngành GD&ĐT là nghiên cứu trong lĩnh vực nông – lâm – ngư – y. Giai đoạn 2011 – 2016, các trường trong khối này đã có 570 sản phẩm ứng dụng. Rất nhiều nghiên cứu về y – dược của các trường ĐH nước ta ngang tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới. Các trường ĐH khối khoa học xã hội và nhân văn có đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều kết luận được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ngành giáo dục đang có trong tay lực lượng hơn 50% các nhà khoa học trình độ cao so với các ngành khác trong cả nước. Nguồn nhân lực đạt chất lượng cao (GS, PGS, TS), hơn hẳn các viện nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa có nhiều nhà khoa học của Việt Nam đạt giải thưởng cao ở quốc tế và không có nhóm nghiên cứu mạnh của hệ thống các trường ĐH tham gia các chương trình nghiên cứu lớn của quốc tế. Không chỉ vậy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao KHCN còn rất thấp so với tổng nguồn thu của trường. Các trường sống bằng số lượng đề tài chứ chưa sống được bằng sản phẩm của đề tài.
Tài trợ theo gói, cam kết đầu ra
Chính các trường cũng nhận ra nguyên nhân khiến hoạt động KHCN "đi chậm". Nhiều trường chưa coi trọng nhiệm vụ KHCN một phần vì khối lượng giảng dạy lớn, hạn chế chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên. Thế mạnh của các trường là nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, nhưng hoạt động nghiên cứu chủ yếu tập trung ở mức độ đơn giản, ngay cả đối với các trường ĐH hàng đầu. Vì thế, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, trong trường hợp nghiên cứu thành công, các kết quả cũng chỉ có thể giải quyết được một số vấn đề cụ thể trong thực tiễn và không có đóng góp cho phát triển nền tảng KHCN, đào tạo nguồn nhân lực.
Nguồn kinh phí hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động KHCN không hiệu quả. Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, kinh phí để triển khai 1 đề tài/dự án nghiên cứu rất thấp. Tổng mức đầu tư thực hiện các đề tài/dự án nghiên cứu KHCN trong các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT bình quân 400 tỉ đồng/năm và gần như không thay đổi từ năm 2011 - 2016. Song nguyên nhân sâu xa là hoạt động KHCN ở Việt Nam thiếu sự tham gia của DN, liên kết giữa các trường và DN còn hạn chế. Vì thế, để cải thiện tình hình, rất cần có các hình thức tài trợ theo gói gắn với năng lực của nhà trường và cam kết đầu ra. Các trường cũng cần đẩy mạnh hợp tác trong nước theo hướng liên ngành, đầu tư cơ sở vật chất chung phục vụ nghiên cứu.
Nguồn nhân lực của ngành giáo dục chiếm rất lớn song việc phân bổ kinh phí lại không gắn với kết quả nghiên cứu. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế đề nghị điều chỉnh cho phù hợp. Và DN thường nhìn vào lợi ích trước mắt để đầu tư, nên dù có sản phẩm tốt mà chưa có hiệu quả ngay thì nhà trường cũng không bán được. Do vậy, Bộ GD&ĐT đặt hàng nhà trường thực hiện các đề tài NCKH. Hình thành nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH là giải pháp được đưa ra tại hội nghị.