Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động khoa học và công nghệ: Động lực phát triển kinh tế Thủ đô

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, ngày càng khẳng định vai trò là đòn bẩy, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sở KH&CN Hà Nội và Cục năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) ký kết hợp tác phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử. Ảnh: Trần Thảo
Top đầu hoạt động KH&CN
Là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Hà Nội có 7 nhiệm vụ, các sản phẩm hình thành từ kết quả các nhiệm vụ được thương mại hóa và xuất khẩu. Đặc biệt, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng các dự án đầu tư được thẩm định công nghệ (từ năm 2018 đến nay, có 27 dự án); cho ý kiến về công nghệ đối với 66 đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư; 566 tổ chức KH&CN được cấp giấy chứng nhận. Đứng đầu về số lượng các cơ quan, đơn vị quản lý được hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001. Trong thời gian trên, 100% các sở, ngành, quận, huyện và xã, phường, thị trấn được hỗ trợ xây dựng và áp dụng ISO; 237 DN được hỗ trợ áp dụng ISO 14000 về môi trường và ISO 22000 về an toàn thực phẩm. Hà Nội đứng thứ hai về số DN KH&CN (47 DN/386 DN cả nước) được cấp giấy chứng nhận. Đứng thứ hai cả nước về số lượng đơn của các tổ chức, cá nhân nộp đề nghị cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa với 12.422 đơn năm 2018…
Việc ứng dụng KH&CN là nhiệm vụ cần phải đẩy mạnh hơn để nâng cao tỷ lệ đóng góp của KH&CN vào phát triển nền kinh tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Cũng từ năm 2018 đến nay, Sở đã tiến hành thanh tra tại 184 đơn vị và tiến hành xử phạt 7 cơ sở vi phạm hành chính về đo lường, chất lượng với 35 triệu đồng. Sở cũng đã kiểm định 16.989 phương tiện đo. Qua kiểm tra, đã xử phạt 7 tổ chức sản xuất, kinh doanh với 73,5 triệu đồng. Sở cũng đã tiếp nhận, giải quyết 40 hồ sơ công bố hợp chuẩn; 82 hồ sơ công bố hợp quy; 1.046 hồ sơ đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; 1.563 hồ sơ đăng ký kiểm tra và cấp thông.

Ngoài ra, Sở đã tổ chức đánh giá giữa kỳ cho 125 nhiệm vụ KH&CN chuyển tiếp từ các năm trước, đạt 100% theo kế hoạch. Hoàn thành nghiệm thu cấp cơ sở cho 58 nhiệm vụ, nghiệm thu cấp TP cho 50 nhiệm vụ KH&CN. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh, trong quý I/2019, Sở KH&CN đã tiến hành nghiệm thu cấp TP 12 đề tài; tổng kết 8 đề tài. Kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Cùng với đó, Sở đã tiến hành và xây dựng các phiếu đặt hàng thực hiện 31 dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, phát triển 4 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ. Tư vấn, hướng dẫn được 18 tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 698 hồ sơ TTHC; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra hơn 20 gian hàng kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết 2019; tham gia, phối hợp với các đơn vị kiểm tra 14 cơ sở; kiểm định 2.524 phương tiện đo…

Với những đổi mới, hoạt động KH&CN của TP đã có bước tiến bộ quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chất lượng và hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Kết quả của các đề tài, dự án có địa chỉ ứng dụng rõ ràng và đã được áp dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp TP và chủ đầu tư lựa chọn được những công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, lựa chọn được công nghệ thiết bị phù hợp, tiên tiến, tiết kiệm chi phí, an toàn trong sản xuất.

Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ giúp các cá nhân, tổ chức, DN và các địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Hoạt động triển khai và hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện công tác cải cách hành chính của TP. Các DN nhờ việc áp dụng hệ thống ISO tiên tiến vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô.

“Năm 2019 tiếp tục là năm nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động KH&CN nhằm góp phần phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” - Giám đốc Sở KH&CN Lê Ngọc Anh khẳng định.