Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Hai mảng màu sáng, tối

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 8 tháng năm 2022, bức tranh DN có nhiều điểm sáng với số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động cao nhất từ trước đến nay song cũng có những gam trầm. Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN còn khó khăn.

Số doanh nghiệp rời thị trường tăng, lớn hơn số thành lập mới

Báo cáo vừa công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tình hình đăng ký DN trong 8 tháng năm 2022 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 8 tháng đầu năm đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 149.451 DN, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Đáng chú ý, trong tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số DN thành lập mới trong 8 tháng năm 2022 là 101.325 DN. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng tháng 8/2022, có 11.918 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 130.198 tỷ đồng, tăng 106,9% về số DN và tăng 91,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng năm 2022 cũng có 104.317 DN buộc phải rút lui khỏi thị trường, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Số DN thành lập mới là 101.325 DN nhưng số DN rời thị trường còn lớn hơn lên tới 104.317 DN. Ngoài ra, trong 8 tháng, số DN rút lui khỏi thị trường trong là 85.500 DN, tức số DN rời thị trường cao hơn gần 20.000 DN của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy DN vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Bộ KH&ĐT nhận định, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Trong khi ảnh hưởng của Covid-19 trước đó đã bào mòn sức lực của nhiều DN, dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

“Quy mô vốn của DN gia nhập thị trường đang có xu hướng giảm, vốn đăng ký bình quân trên một DN trong tháng 8/2022 giảm 26,1% so với tháng 1/2022 cho thấy vẫn còn tâm lý thận trọng của DN trong quá trình bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn” - đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.

Trong khi đó, những DN đang hoạt động cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào, khó khăn lớn là thiếu vốn hoạt động; chi phí sản xuất tăng cao; số lượng lao động trở lại hoạt động vẫn chưa được như trước đại dịch.

Ở đầu ra, chiến sự Nga - Ukraine, căng thẳng giữa các nước lớn, đại dịch Covid-19 còn phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các DN Việt Nam…Về tiêu dùng, tuy tốc độ tăng khá cao nhưng một phần do gốc so sánh cùng kỳ năm trước ở mức rất thấp. Người dân vẫn còn khó khăn, có xu hướng chỉ chi tiêu cho các hoạt động thiết yếu.

Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.

Chi phí tăng, lợi nhuận doanh nghiệp "teo tóp"

Giám đốc Công ty TNNHH Cao su Minh Đức Nguyễn Quốc Anh cho biết, những tháng đầu năm, các DN xuất khẩu sản phẩm cao su tăng 15%. Tuy nhiên, những đơn hàng này thời gian tới cũng khó khăn hơn do ảnh hưởng lạm phát, sức mua giảm.

Đồng thời, giá nguyên liệu cao su tổng hợp nhập khẩu đã tăng 30%, chi phí logistics cũng tăng rất cao. “Đơn hàng từ thị trường Mỹ và châu Âu đang giảm và hàng tồn kho đang nhiều. Thị trường Mỹ cũng bất định, chưa biết thế nào do lạm phát, sức mua giảm” - ông Quốc Anh cho hay.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ, lâu nay, các DN nhỏ và vừa đều mong muốn được tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hầu như DN không tiếp cận được bởi ngân hàng nào cũng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp.

Suốt 2 năm dịch Covid-19, đa phần các DN nhỏ và vừa đều hoạt động không có lãi, hồ sơ tài chính không đảm bảo, dẫn tới không thể vay được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều ý kiến từ DN phản ánh rằng, Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất nhưng DN khó tiếp cận được chính sách này.

Trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Quốc hội với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hôm 19/8/2022, kết quả khảo sát của VCCI, thị trường nội địa của các DN trong một số ngành, lĩnh vực đã phục hồi lên mức 75 - 85% so với trước dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, các DN còn gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm giải quyết ngay trong những tháng còn lại của năm và năm 2023. Có tới 47% DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. 4% DN phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác. Chi phí đầu vào tăng cao.

DN cũng rất khó khăn khi mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh do sự phức tạp của thủ tục hành chính thuê nhượng đất đai, 42,5% số DN đang gặp phải vấn đề này. Một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ nhưng lại thiếu nhân lực, như ngành dịch vụ, du lịch…

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho biết, DN vẫn đang đối diện với tình trạng bão giá, vướng mắc pháp lý, nợ đọng và vốn. Trong khi đó, trong một số lĩnh vực, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, khó khăn cho DN và hiệu quả thực thi của một số cơ quan Nhà nước chưa cao.

Các chính sách hỗ trợ cần nhanh và kịp thời

Cộng đồng DN đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch và các chính sách hỗ trợ để giảm chi phí đầu vào cho DN như sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm mức thuế xuất nhập khẩu ưu đãi với xăng, dầu… hay các chính sách giữ ổn định thị trường ngoại tệ và lãi suất hợp lý song vẫn còn sự bất cập trong thực thi, nhiều chính sách chưa vào cuộc sống.

Mức độ tiếp cận các chương trình trợ giúp DN trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ DN còn hạn chế. Theo VCCI, tỷ lệ DN đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình đều dưới 8%...

Để hỗ trợ DN, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề xuất các bộ, ngành tiếp tục bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất nhằm giữ đơn hàng và chuỗi cung ứng.

Với nhiều khó khăn thách thức đang phải đối mặt, các DN rất cần sự tiếp sức kịp thời, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước, tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi. Nhiều DN sản xuất cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho DN. Cụ thể, nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử dữ liệu giữa các DN, hải quan và cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao...

 

"Qua khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, nhiều chính sách hỗ trợ được đánh giá hữu ích nhưng còn khoảng cách khá xa từ chủ trương đến triển khai thực tế. Do đó, các chính sách khi ban hành nên tính toán dài hơi, phải đi vào thực tế một cách hiệu quả.

Việc hỗ trợ phục hồi DN cần ưu tiên những ngành, lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt để không bị đứt chuỗi giá trị cung ứng như ngành lương thực, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin.

Ngoài ra, cộng đồng DN luôn mong muốn môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng cắt giảm các điều kiện không cần thiết, minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN." - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần