Hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường: Quy hoạch cho có, quản lý như không

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ cháy cơ sở karaoke tại 68 Trần Thái Tông đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý hoạt động kinh doanh này.

Dừng cấp phép hết năm 2016 hay chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh chưa đủ điều kiện chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Hà Nội đang cần một giải pháp “dài hơi” hơn để xóa đi nỗi lo "bước vào quán karaoke là bước vào... cửa tử" của khách hàng.
Gấp rút chấn chỉnh
Hơn 10 ngày nay, dạo quanh các “con phố karaoke” của Hà Nội như Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Khang, Đào Tấn… đâu đâu cũng xuất hiện hình ảnh hàng loạt cửa hàng kinh doanh hạ biển bảng quảng cáo. Thu hẹp những biển quảng cáo quá khổ, quá tải, gắn khung sắt cố định lên tường nhà thành những tấm biển cao dưới 2m như quy định. Sau sự cố hỏa hoạn tại cơ sở 68 Trần Thái Tông, chưa cần lệnh từ chính quyền quận Cầu Giấy, hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke rỉ tai nhau cùng đóng cửa. Cho đến nay, sau vụ hỏa hoạn 11 ngày, các cửa hàng karaoke ở Cầu Giấy vẫn tắt đèn, đóng cửa im ỉm.

Nhiều cửa hàng karaoke trên phố Trần Thái Tông đã dỡ biển quảng cáo sai quy định. Ảnh: Chiến Công

Theo ông Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy: “Toàn quận có 88 cơ sở kinh doanh karaoke đăng ký hoạt động và 11 cơ sở hoạt động không phép. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, trong số các cơ sở đã đăng ký, có 3 cơ sở không hoạt động, số còn lại đa phần không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC), biển quảng cáo sai quy định. Quận yêu cầu các cơ sở này phải hoàn thiện chỉnh các điều kiện PCCC và được cơ quan chức năng thẩm định mới được phép hoạt động trở lại. Quận cũng đình chỉ hoạt động 11 cơ sở kinh doanh không phép”.
Tại quận Đống Đa, khoảng 90% cơ sở kinh doanh karaoke không có lối thoát nạn thứ 2 theo quy định, phần lớn các quán có biển hiệu quảng cáo, đèn quảng cáo lấp kín trên 70% diện tích mặt tiền, 20% cơ sở không bảo dưỡng hệ thống PCCC định kỳ, không có thiết bị chiếu sáng chỉ dẫn lối thoát nạn, 22/27 cơ sở chưa được thẩm duyệt PCCC... Trước tình trạng quá nhiều cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh karaoke, ông Nguyễn Song Hào – Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: “Quận kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm này, yêu cầu các cơ sở dỡ bỏ bảng quảng cáo sai phép và hoàn thiện các điều kiện PCCC theo đúng quy định. Cơ sở nào không đủ điều kiện sẽ yêu cầu dừng hoạt động”.
Quận Ba Đình cũng đang xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn quận. Ông Nghiêm Đức Hùng - Trưởng phòng VH&TT quận Ba Đình cho biết, từ ngày 13 - 15/11, quận sẽ kiểm tra, chú trọng vào công tác PCCC, biển hiệu quảng cáo. Quận có 30 cơ sở kinh doanh karaoke và 2 vũ trường, thấp hơn nhiều so với một số quận khác nhưng công tác kiểm tra, kiểm soát chưa duy trì thường xuyên, liên tục.
“Thả ga” cấp phép
Cách đây gần 30 năm, karaoke bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội và ngay lập tức được xã hội tiếp nhận như một loại hình giải trí hấp dẫn. Giai đoạn 1999 - 2002 được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của loại hình dịch vụ này. Đã có lúc số cửa hàng karaoke tại Hà Nội lên tới 1.200 điểm. Con mắt của người dân nhìn người đi hát karaoke không còn phải là trò ăn chơi, mà là cách thức xả stress cho người thành thị. Ban đầu chỉ là những phòng hát trang trí sơ sài với một dàn âm thanh và một micro, sau đó, để cạnh tranh, các cửa hàng karaoke được trang bị thêm phòng cách âm, nội thất đẹp, âm thanh tốt... Không chỉ có karaoke, Hà Nội có thêm các vũ trường Hồ Gươm Xanh, New Century…, để giới trẻ hiểu được thế nào là lối sống của Tây: Ngày làm, tối đến vũ trường nhảy và hát.
Tuy không có quy hoạch tổng thể trên toàn TP nhưng năm 2012, Sở VH&TT (lúc đó là Sở VHTT&DL) Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường của từng quận, huyện. Nhìn vào bản quy hoạch của từng địa phương có thể thấy những con số “giật mình”: Quận Đống Đa từ 100 điểm được phê duyệt lên 130 điểm kinh doanh, quận Hà Đông từ 94 điểm được phê duyệt nâng lên thành 272 điểm. Quận Cầu Giấy - nơi liên tiếp vừa xảy ra các vụ cháy karaoke nếu cấp phép theo hết quy hoạch cũng rơi vào con số hơn 200. Và cơ sở để các địa phương làm quy hoạch được cho là rất lỏng lẻo: Dựa trên tổng số dân dự kiến và nhu cầu phát triển… Không cần tính đến khoảng cách giữa các quán với nhau, ảnh hưởng đến dân cư, giao thông như thế nào, các quận, huyện chỉ cần dựa trên cơ sở chưa cấp phép hết số lượng quy hoạch nên "thả ga" cấp phép. Trong vòng 2 - 3 năm gần đây, trên các con đường chùa Láng, Xã Đàn (Đống Đa), đường Nguyễn Khang, Trần Thái Tông (Cầu Giấy)…, các cửa hàng karaoke mọc lên san sát. Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng, Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Đa số các hàng karaoke được chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở nên không đảm bảo các điều kiện PCCC, diện tích phòng, cách âm… Cơ quan quản lý địa phương cấp phép chỉ lo tính số lượng mà chưa quan tâm đến phân bố hợp lý”.
Quy hoạch theo hướng nào?
Trước khi làm quy hoạch karaoke, vũ trường cho các quận, huyện, từng có ý tưởng đề xuất đưa karaoke vào quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thế nhưng, khi đưa đề xuất này ra bàn trong kỳ họp thứ 5 HĐND TP Khóa XIV, nhiều đại biểu đã phản đối ý kiến này với lý do cần phân biệt được karaoke là kinh tế hay văn hóa, để tự phát triển theo nhu cầu, không cần chi ngân sách đầu tư. Và chính vì lý do để phát triển theo nhu cầu nên karaoke mới nảy sinh những biến tướng và một loạt hậu quả gây ra thiệt hại kinh tế và chết người như vừa qua.
KTS Phạm Thanh Tùng đề xuất, Hà Nội nên quy hoạch karaoke, vũ trường thành một khu vực vui chơi giải trí. “Giống như ở Thái Lan và một số nước khác trên thế giới, họ dành cả một con phố chỉ để cho loại hình massage, karaoke, vũ trường. Nếu quy hoạch từ ban đầu thì việc xây dựng sẽ phù hợp cho loại hình này, không còn phải lo không có lối thoát hiểm thứ 2 hay nhà quá bé…” – KTS Phạm Thanh Tùng cho biết. Đồng quan điểm cần quy hoạch những khu vực chỉ dành cho vui chơi giải trí, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng không thể quy hoạch ở các quận nội thành trung tâm mà đưa ra vùng ngoại thành: “Trong khi TP mở rộng ra quỹ đất xây dựng các khu đô thị mới thì có thể dành đất cho loại hình dịch vụ này. Nếu chính quyền quyết tâm xây dựng quy hoạch tổng thể loại hình karaoke, vũ trường, thì ngành văn hóa, ngành xây dựng cần ngồi lại tham mưu cho TP những phương án cụ thể và thỏa đáng”.
Trước mắt, khi chưa thể quy hoạch tổng thể, TP cần rà soát đánh giá từng cơ sở kinh doanh. Cơ sở nào không đảm bảo các điều kiện theo quy định, nhà quản lý nên nghiêm khắc yêu cầu dừng hoạt động, thông báo công khai cho người dân được biết. “Chính quyền cấp giấy xác nhận đảm bảo đủ điều kiện hoạt động, yêu cầu các chủ kinh doanh dán tại quầy lễ tân đón khách của quán. Như vậy, khi khách vào hát có thể xác minh được ngay cửa hàng đó có đảm bảo an toàn hay không” – nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết thêm.
Karaoke không phải là một loại hình kinh doanh được Nhà nước khuyến khích, nhưng luật pháp lại không cấm kinh doanh karaoke. Hàng chục năm nay, karaoke vẫn được phân bố theo quy luật tự nhiên và luôn tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho khách hàng và dân cư xung quanh đó. Không phải đợi đến các sự cố xảy ra gần đây, mà trước nhu cầu phát triển lớn của loại hình này, đã đến lúc cần xem xét và chấn chỉnh một cách tổng thể việc phân bố, sắp xếp các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn TP.
Hôm qua, tại Hội nghị giao ban với lãnh đạo các sở, ngành, sau khi nêu vụ cháy quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Cảnh sát PCCC Hà Nội phối hợp với CATP, Sở VH - TT kiểm tra toàn bộ các quán karaoke, quán bar trên địa bàn về công tác PCCC.

Xem các bản quy hoạch karaoke của các quận, huyện Hà Nội, tôi thấy mới chỉ dừng lại ở việc đếm số lượng thống kê để quản lý cấp phép. Chính quyền không chủ động đề ra một tuyến phố có bao nhiêu cửa hàng kinh doanh, nên trên nhiều tuyến, cửa hàng karaoke mọc lên chi chít. Khi xảy ra sự vụ, cơ quan quản lý cuống lên giải quyết.
KTS Phạm Thanh TùngTổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần