Hoạt động ngoại khóa sẽ trả lại vị thế môn Lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn vào tình hình đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay, người ta lại thấy nỗi lo từ khá lâu dành cho môn Lịch sử.

Tuy nhiên, theo cô Đào Thị Cẩm Phương – giáo viên dạy Lịch sử, trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng), để nâng cao chất lượng giảng dạy, từng bước “trả lại” vị thế của môn Lịch sử ở trường phổ thông cần có nhiều giải pháp. Trong đó, nhân tố quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức về vị trí, tác dụng của môn học và tri thức lịch sử đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mỗi giáo viên giảng dạy môn này cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, cung cấp kiến thức cho HS.

Cô Phương cho rằng: “Khoa học lịch sử là một môn học đặc biệt vì cả người dạy và người học đều không được quan sát trực tiếp với sự kiện lịch sử. Các sự kiện xảy ra cách đây quá xa khiến HS cảm thấy mơ hồ, khó hiểu dẫn đến chán nản, không có hứng thú với môn Lịch sử. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy, chất lượng qua kiểm tra đánh giá môn Lịch sử ở phổ thông chưa cao. Nguyên nhân là do phương pháp dạy học của giáo viên chưa có sự đổi mới thật sự để lôi kéo HS vào môn học. Bên cạnh đó, các trường phổ thông chưa đầu tư đúng mức để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử. Tôi khẳng định, hoạt động ngoại khóa trong dạy học Lịch sử có tác động tích cực đối với việc giáo dục và phát triển tư duy HS, giúp HS tiếp thu kiến thức dễ dàng và đặc biệt gây hứng thú trong môn học. Để có nhiều tiết dạy tốt, những giờ dạy hay, ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, giáo viên cần nhiều thời gian và công sức chuẩn bị sơ đồ, bản đồ, tranh ảnh minh họa, cập nhật kiến thức qua internet…

Theo tôi, môn học nào cũng cần nhớ, đòi hỏi tư duy sáng tạo. Các môn học đều có nhiệm vụ trong việc góp phần giáo dục thế hệ trẻ theo nội dung, sở trường và ưu thế của bộ môn. Môn Lịch sử cũng như các môn học khác đều “bình đẳng” trong đánh giá về tác dụng của nó, hoàn toàn không lệ thuộc vào số lượng tiết học trong kế hoạch dạy học, vào việc thi hay không… Trong khi đó, tổ chức hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử là một công việc khó và phức tạp. Nó đòi hỏi được sự quan tâm giúp đỡ từ nhiều phía, cả gia đình, nhà trường và xã hội. Cùng với đó là sự nhiệt tình của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Thông qua những giờ ngoại khóa HS được tiếp xúc trực tiếp với các hiện vật, các di tích lịch sử, như vậy các em sẽ dễ dàng hình dung ra những gì xảy ra trong quá khứ. Hoạt động ngoại khóa không thay thế được những tiết học chính khóa trên lớp của giáo viên, nhưng với đặc điểm của bộ môn Lịch sử, nếu như chỉ truyền đạt cho HS qua bảng đen, phấn trắng trên lớp thì luôn là một môn học khô khan và không được HS quan tâm. Vì vậy, áp dụng hoạt động ngoại khóa sẽ làm “sống dậy” được niềm yêu thích lịch sử ở HS”.