Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động vận tải hành khách: Mỏi mắt tìm hải đăng trong bão

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và giá xăng, dầu tăng phi mã đang bóp nghẹt các DN vận tải hành khách, kể cả vận tải công cộng. Nhiều DN đang ngụp lặn trong bão, mỏi mắt tìm một ngọn hải đăng dẫn lối qua giai đoạn khó khăn này.

Và lần đầu tiên trong suốt quá trình hình thành, phát triển, mạng lưới vận tải công cộng của Hà Nội phải nhận một cú sốc thực sự khi Công ty Bắc Hà xin dừng vận hành cùng lúc 5 tuyến buýt, chuẩn bị phá sản.

Xe buýt Hà Nội ngừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2021. Ảnh: Minh Trí
Xe buýt Hà Nội ngừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2021. Ảnh: Minh Trí

Những hệ lụy của việc dừng hoạt động 5 tuyến buýt không chỉ dừng lại ở việc gây khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dân, nó còn tạo một tâm lý hoang mang cho các DN vận tải, đặc biệt là những đơn vị khai thác xe buýt.

Với những đơn vị được TP trợ giá để vận hành xe buýt, việc sụt giảm doanh thu, tạm ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội còn khó khăn đến thế thì các DN vận tải thuộc diện “tự lực cánh sinh” còn chật vật đến dường nào.

Thực tế này cũng cho thấy những điểm yếu cố hữu trong công tác quản lý Nhà nước và cả sự thiếu bản lĩnh của DN. Dịch bệnh Covid-19 là tình huống bất ngờ, bất khả kháng. Để tập trung chống dịch có hiệu quả buộc phải giãn cách xã hội, cho dừng các hoạt động vận tải hành khách trong đó có vận tải công cộng (VTCC). Nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DN vận tải trong bối cảnh đó lại chưa phát huy tác dụng rõ rệt.

Các ngân hàng cho giãn nợ rồi thu cấp tập ngay sau khi hoạt động kinh doanh vừa được tái khởi động, tạo áp lực nặng nề lên DN. Tiền trợ giá cho VTCC bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý, không chạy không được nhận, trong khi DN vẫn phải bỏ chi phí duy trì bộ máy. Giá xăng, dầu tăng vùn vụt qua mỗi chu kỳ điều chỉnh nhưng giá vé muốn tăng lại vô cùng khó khăn, phức tạp.

DN vừa “ngất lịm” cả năm trời vì Covid-19, tỉnh lại lập tức chịu cú đấm bồi của chi phí nhiên liệu. Hiện tượng DN vận tải đuối sức dần rồi phá sản là tất yếu sẽ xảy ra và chắc chắn chưa dừng lại nếu Nhà nước không mở lối thoát, không đưa ra định hướng và sự hỗ trợ kịp thời.

Mặt khác, hầu hết DN vận tải đều chưa bao giờ phải đối diện với hàng loạt khó khăn liên tiếp như thời gian vừa qua, lại hoàn toàn không có nguồn lực hay kế hoạch dự phòng.

Hiện tượng một số DN phất lên nhờ chớp được thời cơ, phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn rồi dễ dàng đổ vỡ trước áp lực kéo dài cho thấy họ thiếu một chiến lược bền vững. Đơn cử như Công ty Bắc Hà, trọng tâm kinh doanh là xe buýt, khi được trợ giá, được tạo điều kiện thì mở rộng ồ ạt, và bây giờ lại đồng loạt xin dừng vận hành.

Đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét lại cơ chế đấu thầu, đặt hàng đối với VTCC, trong đó có xe buýt. Việc nhận trợ giá cần phải đi kèm với những cam kết lâu dài, chắc chắn của DN, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, trong mọi trường hợp không để đứt quãng dịch vụ công cộng.

Trải qua thời gian dài khó khăn do dịch bệnh Covid-19, cộng với áp lực giá xăng, dầu đang ngày càng nặng nề, DN vận tải giống như con tàu ngả nghiêng, đuối sức trong cơn bão dồn dập sóng thần. Nhà nước phải là ngọn hải đăng dẫn lối, đưa ra những định hướng, quyết sách nhanh chóng, phù hợp, cứu vãn thất bại của DN. Bởi khi một công ty xe buýt phá sản, không chỉ vài trăm người lao động mất việc làm, mà cả cơ thể của nền kinh tế - xã hội cũng theo đó ốm yếu dần.

Trong lúc dịch bệnh cam go nhất hầu như không có DN vận tải nào đệ đơn xin phá sản, vì sao khi kinh doanh trở lại mới có những cú sốc như “xe buýt Bắc Hà” vừa qua (?). Câu hỏi này cần được giải đáp ngay, trước khi nguy cơ sụp đổ dây chuyền thành hiện thực.