Chậm xử lý Cuối tuần qua, Ban quản lý Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) tổ chức cuộc bàn tròn “Truyền thông về du lịch có trách nhiệm”. Tại đây, giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng là do cơ quan chức năng không cung cấp thông tin minh bạch trong 24 giờ đầu sau khi xảy ra vụ việc. Chính vì nguồn tin chính thức chậm trễ nên các kênh không chính thức có cơ hội gây nhiễu tin tức. Mặt khác, những dự đoán sai của truyền thông cũng tác động lớn đến ngành du lịch.
Có dịp làm việc với nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Bích - thành viên Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm cho hay: “Theo báo giới nước ngoài, thông tin viết về Việt Nam có tính chất tiêu cực nhiều hơn tích cực, nguồn tin lấy từ chính các cơ quan truyền thông của chúng ta. Trong khi khách tìm hiểu điểm đến thường quan tâm những thông tin tiêu cực, do đó ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam”. Bởi vậy, theo ông Bích, các DN, cơ quan, điểm đến cần chủ động cung cấp cho báo giới những thông tin du lịch chất lượng, có trách nhiệm. Kinh nghiệm của Quảng Ninh Bàn về truyền thông khắc phục thảm họa, ông Trương Nam Thắng – chuyên viên Dự án EU khẳng định, không có gì hiệu quả hơn việc thông tin minh bạch. Minh chứng là vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã khắc phục hậu quả vụ cháy tàu Aphrodite ở Tuần Châu lúc 11 giờ ngày 6/5 rất nhanh chóng. “Bí kíp” được lãnh đạo tỉnh chia sẻ là phải nhập cuộc tức thì và có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan… Chỉ vài giờ sau khi tàu Aphrodite cháy, khi chưa có nhiều người biết tới vụ việc, Công ty TNHH MTV du lịch VIT Hạ Long đã có thông cáo rõ ràng về sự cố này. Ngay trong buổi chiều, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 2512/UBND-GT2 chỉ đạo vụ việc. Tối cùng ngày, UBND tỉnh họp báo để cung cấp những thông tin chính xác nhất; và Công ty VIT Hạ Long ra thông báo thứ hai về việc phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn, ổn định tinh thần cho du khách, hứa sẽ làm lại hộ chiếu, bồi thường tài sản cho họ… Có thể nói, 24 giờ sau khi diễn ra vụ việc, Quảng Ninh cơ bản đã khắc phục được sự cố. Cách làm này cần được nhân rộng, ứng dụng vào giải quyết các khủng hoảng du lịch. Ông Vũ Quốc Trí - Giám đốc Dự án EU cho rằng, ngành du lịch phải có chiến lược ứng phó với khủng hoảng bằng việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở dữ liệu, đầu mối liên lạc, thiết bị. Khi xảy ra vụ việc cần tiếng nói chung, đặc biệt là thông tin rõ ràng, minh bạch, trung thực trong 24 giờ đầu. Và giai đoạn sau khủng hoảng cần quan tâm nhiều đến các nạn nhân. Bất kỳ sự vụ nào cũng có thể ảnh hưởng đến du lịch, nên du lịch đừng thụ động ngồi chờ, mà hãy tự bảo vệ mình bằng cách nhanh chóng đưa thông tin minh bạch và hướng bảo vệ du khách.
Thực tập phòng cháy, chữa cháy tàu du lịch trên biển tại Quảng Ninh. Ảnh: Phạm Cường |