Học nghề sau thất nghiệp: Vì sao người lao động chưa mặn mà?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Trung tâm Giao dịch việc làm (GDVL) Hà Nội, trong tháng 7 vừa qua, có 2.589 người đăng ký thất nghiệp, 2.763 người có quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng chỉ 70 người đăng ký hỗ trợ học nghề.

Đây là thực trạng đáng báo động sau hơn 3 năm thực thi chính sách BHTN, người lao động thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp, chứ chưa nhìn đến cái gốc của chính sách là hỗ trợ học nghề.

Bất cập của chính sách

Tại Trung tâm GTVL Hà Nội, nhiều lao động khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, được giới thiệu hỗ trợ học nghề đều từ chối. Lý do họ đưa ra là cần tiền để trang trải cuộc sống, cùng với đó, mức hỗ trợ học nghề chỉ 300.000 đồng/tháng không đủ đóng học phí, không đủ bù đắp những chi phí phát sinh. Hơn nữa, với mức đóng BHTN dưới 36 tháng, chỉ được hưởng 3 tháng trợ cấp, nên có muốn học nghề cũng đành chịu, vì 3 tháng còn lại không biết lấy gì để sống. Chưa kể, muốn học sửa xe thì phải thực hành, trong khi giá xăng cao hay tiền mua nguyên liệu học nghề nấu ăn cũng đắt đỏ. Có nhiều nghề học phí cao như lái xe, người lao động phải đóng thêm tiền triệu mới đủ học phí.

Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), từ năm 2010 đến nay, cả nước có 660.000 người được hưởng chính sách hỗ trợ thất nghiệp, nhưng chỉ trên 2.100 người học nghề do chính sách này tài trợ. Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, không có tích lũy nên khi thất nghiệp cần tìm việc ngay để trang trải cuộc sống, không quan tâm đến học nghề. Cũng do các doanh nghiệp chủ yếu là tuyển lao động phổ thông, nên dù người lao động đã qua đào tạo, doanh nghiệp chỉ trả lương như lao động phổ thông. Với tâm lý "có học cũng vẫn thế", nên người thất nghiệp chọn phương án tìm việc làm ngay. Bản thân danh mục ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp ở một số cơ sở đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động càng khiến chính sách này không hấp dẫn.

Học nghề sau thất nghiệp: Vì sao người lao động chưa mặn mà? - Ảnh 1

Học nghề sửa chữa điện tử tại Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Dũng

Hy vọng vào sự thay đổi

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ mong muốn tìm một việc làm tạm thời thay thế việc làm đã mất, người thất nghiệp không thể giải quyết căn cơ cuộc sống và rất dễ rơi vào thất nghiệp tiếp theo nếu doanh nghiệp có sự sàng lọc. Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết: Bộ đang dự thảo Quyết định về mức hỗ trợ học nghề để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó mức hỗ trợ học nghề hàng tháng cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định cao hơn trước đây.

Có thể nói, chính sách BHTN sau 3 năm đi vào cuộc sống đã hỗ trợ đắc lực người lao động trong hoàn cảnh mất việc. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề, đó là giúp người lao động mất việc tái hòa nhập thị trường lao động bằng việc học nghề không thể thực hiện được nếu không có sự thay đổi. Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương ưu tiên cho người lao động bị mất việc được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, để tự tạo việc làm cho mình. Quỹ quốc gia về việc làm cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay để tạo thêm việc làm mới, góp phần giảm số lượng thất nghiệp mới.