Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học nghề sửa chữa máy lạnh: Chưa tốt nghiệp đã có việc làm

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm học thứ hai, nhiều sinh viên ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (KTML&ĐHKK), trường Cao đẳng nghề (CĐN) Bách khoa Hà Nội đã có việc làm thêm với mức thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

 Ảnh minh họa
Chiều tháng 4, cái nắng oi bức của trời Hà Nội khiến mọi người mệt mỏi nhưng không khí lớp học Kiểm tra máy lạnh 1 của trường CĐN Bách khoa Hà Nội hết sức sôi động. Các sinh viên năm cuối đang hào hứng giải quyết vấn đề thực tế của nghề KTML&ĐHKK do thầy giáo Trần Mạnh Tân đưa ra. Trong câu chuyện về cơ duyên chọn nghề, sinh viên Hoàng Trung Hiếu vui vẻ bộc bạch: Thi tốt nghiệp THPT xong, em chọn đi học nghề ngay thay vì đăng ký vào trường đại học như nhiều bạn khác. Em chọn nghề KTML&ĐHKK vì qua tìm hiểu đã biết nhiều cơ hội lựa chọn việc làm, bởi hiện nay đời sống phát triển đa số các gia đình có nhu cầu sử dụng đồ điện tử và điện lạnh. Và, khi học nghề, em thấy nội dung đào tạo ở trường với thực tế hoạt động trong DN và hình dung ra công việc sẽ làm sau khi tốt nghiệp.
Với việc lựa chọn nghề KTML&ĐHKK, từ năm học thứ 2, ngoài giờ học chính khóa, Trung Hiếu và nhiều bạn trong lớp đã đi làm thêm với thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày, đủ chi phí xăng xe, ăn uống hàng ngày. Trước băn khoăn của các em học sinh lớp 12, cho rằng làm nghề này rất vất vả, luôn phải chịu nắng nóng, ảnh hưởng đến làn da và sức khỏe, Trung Hiếu phản hồi: Nghề nào cũng có những trở ngại nhưng khi mình đã đam mê thì sẽ vượt qua và theo đuổi đến cùng. Nhiều năm gắn bó với ngành đào tạo KTML&ĐHKK, thầy Trần Mạnh Tân - giảng viên khoa Điện và bảo dưỡng công nghiệp, trường CĐN Bách khoa Hà Nội thông tin: Hiện nay, lĩnh vực KTML&ĐHKK có mặt ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống như bảo quản nông sản, dệt may, tàu thủy, bệnh viện và đặc biệt là trong dân dụng. Sinh viên học nghề này sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có khả năng vận hành, sửa chữa, thi công, lắp đặt các hệ thống máy lạnh và điều hòa không khí.

Theo thầy Mạnh Tân, với tốc độ phát triển đô thị và các ngành công nghiệp như hiện nay, không những trong 3 năm mà còn nhiều năm tới, thị trường lao động Việt Nam rất cần nhiều lao động có trình độ tay nghề ở lĩnh vực KTML&ĐHKK, với mức thu nhập ổn định. Đồng thời cho rằng, hiện nay, có một số trường cao đẳng đào tạo KTML&ĐHKK, tuy nhiên, trường CĐN Bách khoa Hà Nội đã được khẳng định thương hiệu từ lâu nên sinh viên đầu vào tăng đều theo từng năm. Cũng một phần bởi, tất cả các môn học phục vụ chuyên ngành đều thiết kế nhiều thời lượng thực hành. Ngoài ra, các sinh viên học từ năm thứ hai đã được trường gửi đi thực tập tại các DN, nhà máy, xí nghiệp… nên có cơ hội trải nghiệm thực tế cũng như trang bị kỹ năng tay nghề đáp ứng nhu cầu DN. Vì thế, thầy Tân lưu ý, để làm công việc KTML&ĐHKK có thu nhập cao, người lao động chỉ cần nhanh nhẹn, cần cù, cẩn thận, có đạo đức nghề nghiệp, yêu nghề và sống chết với nghề.