Học phí cao - bước đột phá nâng chất lượng đào tạo đại học?

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Học phí đại học (ĐH) cao nhưng mức hỗ trợ cho người học cũng phải cao. Về phía nhà nước rất cần tiếp tục đầu tư cho các trường ĐH mới nâng được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và có thể cạnh tranh với các trường trong khu vực và quốc tế.

Quan điểm mang tính đột phá
Tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội, ngày 25/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, mức học phí ĐH hiện nay thấp, ngân sách đảm bảo mức không cao, trong khi lại có quy định mức trần học phí đáp ứng rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của cơ sở giáo dục. Do vậy, cần có chính sách thật tốt để con em nhà nghèo học giỏi có thể tiếp cận được học bổng, đảm bảo quyền học ĐH. Bên cạnh đó, phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học ĐH trở thành “học đại”.
Kiến nghị này của GS Lê Quân đã tạo ra những luồng tranh luận sôi nổi, nhiều chiều trong xã hội. Đã có những ý kiến phản đối, không thể lấy việc tăng học phí để làm rào cản học sinh đi học ĐH, bởi như thế con nhà nghèo học chưa giỏi không có cơ hội tiếp cận ĐH. Lại có ý kiến cho rằng, không nên tăng học phí ĐH để nhằm mục đích phân luồng học sinh; bởi việc này phải được thực hiện từ khi học sinh tốt nghiệp THCS...
 Sinh viên trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm thí nghiệm. Ảnh: VNU.
Tuy nhiên, quan điểm học phí là rào cản kỹ thuật để tránh học ĐH thành “học đại” của GS.TS Lê Quân được không ít chuyên gia đồng tình vì mang tính đột phá. Bởi lâu nay nhiều người vẫn có thói quen học trường ĐH là được bao cấp, học phí giá rẻ. Học phí trường ĐH công lập của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực và phải thực hiện theo mức trần của Nghị định 86/2015/NĐ-CP nên các trường trả lương cho giảng viên thấp, không giữ được người tài. Vì mức học phí thấp, ngân sách có hạn nên nhà trường không có tiền mua sắm trang thiết bị dẫn đến học chay nhiều, chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Từ thực tế trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận định, học phí ĐH quá rẻ khiến sinh viên lười học. “Tôi nhớ, khi trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chưa tự chủ, đã có những sinh viên bỏ thi đi chơi và chấp nhận nộp hai ba trăm ngàn đồng để thi lại. Nhưng khi trường tự chủ, mức học phí tăng gấp đôi, ý thức học tập của các em thay đổi và cố gắng học rất nhiều. Kết quả thống kê cho thấy, điểm số cải thiện rõ rệt và chất lượng đầu ra tốt hơn. Nhà trường thu hút được người tài từ các nơi về, đầu tư trang thiết bị giúp cho việc học tốt hơn và sinh viên ra trường có chất lượng”.
Học phí cao – không ảnh hưởng cơ hội đi học của người nghèo
Thực tế đào tạo ĐH cho thấy, vì mức thu học phí thấp nên có những trường đã phải “liệu cơm gắp mắm”. Ví dụ, bình thường một lớp học có 30 sinh viên, nhà trường bố trí tới 100 để giảm bớt số tiền phải trả cho giảng viên; bớt những hoạt động trải nghiệm, chăm sóc sinh viên; yêu cầu người học đóng tiền làm thí nghiệm...
“Bức xúc lớn nhất của các trường ĐH hiện nay chính là làm thế nào để nâng được chất lượng đào tạo, cạnh tranh với các trường trong khu vực và quốc tế. Để giải quyết vấn đề, một trong những điều rất quan trọng là nguồn lực, lấy đâu ra tiền. Hiện nay nhiều trường chỉ có nguồn học phí của sinh viên để sử dụng” - TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT chỉ ra, và cho rằng: Trách nhiệm của nhà nước đầu tư cho các trường ĐH; thứ hai là nâng mức học phí nhưng song song với chuyện đó là hỗ trợ rất tốt cho người học. Mức học phí nên được tăng theo hướng 2 năm tiền lương đi làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ĐH. Tất nhiên, học phí tùy theo từng trường, có trường thu ở mức cao hơn, có trường thấp hơn.
 Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021. Ảnh: VNU.
Khi các trường ĐH tăng học phí thì những đối tượng học cần được hỗ trợ, đó là: Sinh viên nghèo, sinh viên giỏi (để phát triển nhân tài), sinh viên những ngành đào tạo quan trọng nhà nước đang cần nhiều nhân lực. Những đối tượng còn lại phải chấp nhận đóng mức học phí cao, là rào cản kỹ thuật để nắn lại sự bất bình đẳng hiện nay (người giàu, người nghèo đều có mức học phí giống nhau).
Các chuyên gia giáo dục cũng đồng tình cho rằng, học phí cao để các trường có nguồn lực nâng chất lượng đào tạo và hỗ trợ cao cho người học. Chi phí đào tạo hằng năm cho sinh viên cũng được tăng lên. Cùng với đó là các trường thu hút được sinh viên nước ngoài đến học...
Trao đổi về vấn đề học phí, hay vấn đề đổi mới giáo dục ĐH thông qua đổi mới tài chính ở Việt Nam, TS Phạm Hiệp – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, chuyên gia giáo dục ĐH đã đưa ra các phương án. Trong đó phương án có thể áp dụng được ngay là điều chỉnh chính sách về tài chính, gói gọn trong 2 chữ “2 cao”: Học phí cao – hỗ trợ cao (học bổng và tín dụng). Cơ chế này sẽ một mặt vừa giúp tăng suất đầu tư trên đầu sinh viên vừa không làm ảnh hưởng đến cơ hội đi học của người nghèo.
Về việc học phí cao, con nhà nghèo khó có cơ hội tiếp cận học ĐH, thì đã có các chính sách hỗ trợ. Hiện nay, theo quy định của nhà nước, các trường ĐH dành 8% học phí để miễn giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cộng với các trường ĐH tự chủ được gửi tiền học phí vào ngân hàng thương mại nên tất cả số tiền lãi được dùng để hỗ trợ sinh viên khó khăn. Ngoài ra, sinh viên còn có chính sách được vay tiền tín dụng từ ngân hàng xã hội để nộp học phí.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần