Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh Bắc Từ Liêm tuân thủ pháp luật từ điều nhỏ bé trong cuộc sống

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11, Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, Trường THCS Cổ Nhuế 2 và Đoàn Luật sư TP Hà Nội phối hợp tổ chức lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024.

Phát biểu tại lễ hưởng ứng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Hải cho biết, hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội, tội phạm trá hình thông qua các hoạt động trên mạng xã hội. Nếu học sinh tiếp cận thông tin, không tìm hiểu, nắm bắt thông tin tốt – xấu thì sẽ vô tình vi phạm pháp luật.

Học sinh Bắc Từ Liêm tuân thủ pháp luật từ điều nhỏ bé trong cuộc sống - Ảnh 1

Tại quận Bắc Từ Liêm, hiện các trường học đang gia tăng các hoạt động xây dựng trường học an toàn. Trong đó, nhân tố an toàn nhất là học sinh, thầy cô giáo và các thành viên tham gia hoạt động giáo dục của các trường. Để bảo đảm an toàn một cách bền vững, sâu sắc nhất, thầy cô giáo, học sinh phải tìm hiểu, hiểu biết, sống và làm việc, học tập theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, hiện nay, ngành GD&ĐT quận cùng đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý của 65 trường đang nghiên cứu, tìm tòi nhiều giải pháp để triển khai việc dạy học, lồng ghép kiến thức pháp luật, kỹ năng an toàn cho học sinh và các bộ môn học. Đó còn là các hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho học sinh về ứng phó với cuộc sống, đặc biệt đảm bảo cuộc sống an toàn.

 Phiên tòa giả định.
 Phiên tòa giả định.

Nếu học sinh không có kỹ năng ứng phó với những tình huống xấu, tiêu cực sẽ rất dễ bị ảnh hưởng, dễ bị đánh lừa. Các em không chủ động, phòng, ngừa đối phó, dễ dẫn đến không đảm bảo an toàn.

Qua đó, Phòng GD&ĐT quận đề nghị các trường tiếp tục triển khai nhiều hoạt động giáo dục, dạy lồng ghép kiến thức, phổ biến giáo dục pháp luật, an ninh quốc phòng, phòng cháy chữa cháy, kỹ năng ứng xử mạng an toàn cho học sinh để đảm bảo cho các em có một môi trường an toàn. Hưởng ứng Ngày Pháp luật, các trường cần thể hiện qua từng hành động cụ thể, từ việc chấp hành quy tắc giao thông đến bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền con người.

Cô giáo Phùng Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm kêu gọi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Cô giáo Phùng Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm kêu gọi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, cô giáo Phùng Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm kêu gọi, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường luôn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, học tập, nghiêm chỉnh chấp hành hiến pháp luật pháp.

Đặc biệt, các thầy cô tăng cường truyền thụ các kiến thức cơ bản về pháp luật cho học sinh, xây dựng văn hóa pháp luật tạo nền cho học sinh khi ra trường trở thành những công dân tốt.

Thông qua phiên tòa giả định, học sinh  Trường THCS Cổ Nhuế 2 được bồi đắp, truyền tải thêm  nhiều kiến thức pháp luật
Thông qua phiên tòa giả định, học sinh  Trường THCS Cổ Nhuế 2 được bồi đắp, truyền tải thêm  nhiều kiến thức pháp luật

Với quan điểm gia đình và nhà trường cùng làm giáo dục, lãnh đạo Trường THCS Cổ Nhuế 2 mong cha mẹ học sinh luôn gương mẫu, dạy con trẻ từ những điều nhỏ nhất như: chấp hành đúng các nội quy, quy định của nhà trường; thực hiện đúng luật an toàn giao thông khi tham gia giao thông, sống có trách nhiệm với môi trường xung quanh, luôn yêu thương và biết giúp đỡ mọi người,…

Đặc biệt, nhà trường kêu gọi các em học sinh tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật, thực hiện tốt 5 điều bác Hồ dạy, kính thầy yêu bạn trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan bác Hồ.

Đại diện học sinh, em Nguyễn Mai Phương, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Cổ Nhuế 2 cũng hứa sẽ sống và làm việc theo đúng hiến pháp và pháp luật. Phương cho biết, tuân thủ pháp luật sẽ bắt đầu ngay từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, bảo vệ môi trường, và đối xử tôn trọng với mọi người xung quanh.

Em Nguyễn Mai Phương, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Cổ Nhuế 2 phát biểu hưởng ứng.
Em Nguyễn Mai Phương, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Cổ Nhuế 2 phát biểu hưởng ứng.

Tại lễ hưởng ứng, hơn 1.300 học sinh Trường THCS Cổ Nhuế 2 (khối 7 và khối 9) đã được trải nghiệm qua các tiểu phẩm kịch, phiên tòa giả định với một vụ án có thật đã được các luật sư mã hóa về nội dung cũng như tên cho nhân vật. Học sinh hiểu thêm về các quy định của pháp luật thông qua các câu hỏi giao lưu về Luật Thủ đô, các thông tin pháp luật khác với luật sư.

Thông qua phiên tòa giả định, ngành GD&ĐT quận mong muốn học sinh tìm hiểu, truyền tải kiến thức pháp luật đã lĩnh hội được, để từ đó có thể vận dụng mô hình ở phiên tòa giả định vào các tiết hoạt động trải nghiệm của lớp mình. Đây cũng là giải pháp để học sinh vừa tìm hiểu về kiến thức, vừa phát triển kỹ năng liên quan đến pháp luật.